QUY ĐỊNH MỚI VỀ QUẢN LÝ MÃ VÙNG TRỒNG: PHÂN CẤP TRIỆT ĐỂ CHO ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 23/3, Bộ NN-PTNT có văn bản số 1776 (sau đây gọi la văn bản 1776) gửi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Sở NN-PTNT các tỉnh về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, quy định mới về cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu sẽ được phân cấp triệt để về địa phương.
Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, nhằm làm rõ hơn những điểm mới trong nội dung văn bản 1776 và một số định hướng hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất... trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

Địa phương toàn quyền cấp, quản lý mã số

 
Ngày 23/3, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Xin bà chia sẻ những điểm mới trong nội dung công văn này?

Trên cơ sở tham mưu của Cục BVTV, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản một cách rất kịp thời trong lúc các bên liên quan chờ hoàn tất những hướng dẫn theo Điều 64 Luật Trồng trọt. Thông qua văn bản này, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc giải quyết nhu cầu về cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu nông sản đang tăng nhanh thời gian qua.

Nội dung bao trùm của văn bản 1776 là phân cấp triệt để cho địa phương trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Thứ nhất là việc ủy quyền phân cấp cho địa phương. Trước đây, nhiều nhiệm vụ đã được Cục BVTV phân cấp cho địa phương, chiếm đến 95% khối lượng công việc bao gồm: Tiếp nhận đề nghị của tổ chức/các nhân, thực hiện kiểm tra thực tế, hoàn thiện biên bản cũng như hồ sơ và gửi ra Cục BVTV để gửi cho nước nhập khẩu phê duyệt và cấp mã số, cũng như thực hiện giám sát, đánh giá hàng năm đối với mã số vùng trồng.

Nay sẽ có thêm một bước nữa, đó là ủy quyền cho địa phương thực hiện luôn việc cấp mã số đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói này. Đồng thời, địa phương sẽ lưu trữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan, không cần gửi hồ sơ về Cục BVTV.

Trên cơ sở đối chiếu với những quy định của nước nhập khẩu, địa phương sẽ rà soát những mã số đã cấp rồi gửi về Cục BVTV một danh sách các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Đây sẽ là cơ sở để Cục BVTV đàm phán với nước nhập khẩu để chấp nhận những mã số này.


Thứ hai, lần đầu tiên ngành nông nghiệp đề cập đến việc thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát liên kết giữa người dân và doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo quyền lợi cho cả hai, tránh một số vấn đề đã nảy sinh trong quá khứ. Rõ ràng, chúng ta cần hình thành một cơ chế giúp các mắt xích trong chuỗi ngành hàng có thể chia sẻ, đồng thuận, giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là từ phía thị trường.

Thứ ba, địa phương được giao quyền thực hiện thu hồi những mã số không tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu, thông qua việc giám sát hàng năm. Nếu đánh giá vùng trồng, cơ sở đóng gói không đáp ứng, không đủ khả năng duy trì được những tiêu chuẩn, quy chuẩn từ nước nhập khẩu, địa phương sẽ tiến hành thu hồi và gửi báo cáo về Cục BVTV, trước khi Cục chuyển cho nước nhập khẩu để họ cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của họ. Đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu dừng thực hiện thủ tục đối với các mã số đã bị thu hồi này.

Thứ tư, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Hiện nay, nhiều tỉnh chỉ giao cho Chi cục Trồng trọt – BVTV thực hiện. Tuy nhiên, nhu cầu về thiết lập, cấp mới mã số hiện rất lớn. Một số tỉnh nằm trong vùng nông nghiệp trọng điểm, như Đồng Tháp, Tiền Giang có đến hàng nghìn mã số khiến công tác quản lý của cán bộ cơ sở rất áp lực.

Ở văn bản 1776, Bộ NN-PTNT đã hướng dẫn rất rõ, là tùy thuộc vào tình hình cụ thể của địa phương, Sở NN-PTNT sẽ chủ động bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện việc quản lý mã số bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể là phân cấp, ủy quyền xuống cấp huyện hoặc giao nhiệm vụ cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp, phòng nông nghiệp huyện, Sở NN-PTNT phải đảm bảo cho công tác được thực hiện một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Thứ năm, là yêu cầu Sở NN-PTNT, chi cục, hoặc cơ quan quản lý địa phương giải quyết nhanh chóng hồ sơ mà các tổ chức cá nhân đề nghị cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ khiến người nông dân bị lỡ mất vụ thu hoạch.
 

Sẽ phổ biến kỹ cho địa phương, doanh nghiệp, HTX...

Với nhiều điểm mới như trên, việc triển khai tại địa phương khó có thể tránh khỏi những lúng túng. Cục BVTV sẽ có những hỗ trợ, hướng dẫn gì trong thời gian tới để hoạt động giao thương nông sản không bị gián đoạn?

Mặc dù có nhiều điểm mới, nhưng công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phân cấp về địa phương trong một khoảng thời gian dài, thực hiện phần lớn công việc liên quan. Chính vì thế các cán bộ đầu mối cũng như chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh đã được tập huấn liên tục, trao đổi thường xuyên với Cục BVTV nên công việc đã đi vào nề nếp.

Văn bản 1776 của Bộ NN-PTNT chỉ tiến thêm một bước là giao việc cấp mã số, lưu giữ hồ sơ về địa phương. Những nội dung còn lại chủ yếu mang tính định hướng, giúp địa phương có thể dễ dàng triển khai khi thực hiện, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc triển khai văn bản 1776 cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể để thống nhất, tránh các ý hiểu khác nhau dẫn tới gây ảnh hưởng cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Từ mục đích đó, Cục BVTV đã lên kế hoạch để triển khai một loạt các hoạt động sau:

Việc đầu tiên, Cục BVTV đã lên kế hoạch và dự kiến ngay trong cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2023 sẽ tổ chức tập huấn toàn quốc, với đối tượng là tất cả các đầu mối thực hiện việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương. Thành phần cụ thể bao gồm các Sở NN-PTNT, các chi cục, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX, nông dân…

Thông qua tập huấn, chúng tôi sẽ hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết từng trình tự thực hiện đối với các nội dung trong văn bản, cũng như những nội dung kỹ thuật liên quan để cả nước sớm thống nhất thực hiện. Hiện nay, thông qua nhóm cán bộ đầu mối về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ở địa phương, chúng tôi đang đề nghị địa phương nghiên cứu kỹ văn bản, gửi các vấn đề còn thắc mắc, chưa rõ để tổng hợp, giải đáp kịp thời.

Trong năm 2023, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch thực hiện gần 20 lớp tập huấn về quy định của nước nhập khẩu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Đoàn kiểm tra của Cục BVTV kiểm tra tình hình quản lý, cấp mã số vùng trồng lúa tại địa phương.
Nội dung thứ hai, Cục BVTV sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn liên quan đến cấp và quản lý mã số vùng trồng hiện tại sao cho phù hợp với hướng dẫn mới của Bộ NN-PTNT. Những tài liệu này sẽ được đăng tải công khai trên website của Cục.

Với những đối tượng không có điều kiện tham dự các lớp tập huấn, chúng tôi sẽ chỉnh sửa, bổ sung toàn bộ những video liên quan đến cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Song song với đó, Cục cũng gửi những tư liệu này cho địa phương để đăng trên website của Sở NN-PTNT, hoặc sử dụng trên các đài phát thanh, truyền hình địa phương.

Cục BVTV sẽ xây dựng hai khóa đào tạo trực tuyến về vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng đào tạo trực tuyến (E-training flatform) của Cục. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu có thể chủ động vào nghiên cứu.

Hi vọng với những hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho mọi đối tượng, từ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở địa phương đến nông dân và chủ doanh nghiệp, chúng ta sẽ triển khai một cách hiệu quả việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, góp phần giúp ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD trong năm 2023.
Nguồn: nongnghiep.vn
Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger