"NUÔI ĐẤT" PHƯƠNG PHÁP CẢI TẠO, PHỤC HỒI VÀ THÚC ĐẨY DINH DƯỠNG - BÀI TOÁN NĂNG SUẤT


1. Thực trạng đất canh tác của nông dân – Các nguyên nhân dẫn đến chai hóa, phá vỡ hệ sinh thái của môi trường đất.

Mỗi mùa vụ, với cách làm thông thường, người nông dân không trả lại cái gì cho đất. Ngay từ khâu chuẩn bị đất cho vụ mới rơm rạ vụ cũ bị đốt hết để tiết kiệm thời gian làm đất cho vụ tiếp theo. Lửa tạo ra khói – một lượng carbon khổng lồ và đốt luôn những vi sinh vật. Tiếp theo – trong suốt quá trình chăm bón, các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật được bón, xịt với khối lượng lớn để thúc cây tăng trưởng, diệt trừ cỏ dại, sâu bệnh nhanh chóng…nhưng để lại một lượng hóa chất tồn dư trong nước, trong đất, làm chai hóa đất và diệt luôn các loại côn trùng, vi sinh vật có lợi cho đất, cho cây trồng.
Đốt đồng – đốt luôn toàn bộ hệ động thực vật trong đất, bỏ đi một lượng lớn sinh khối hữu cơ từ thân lúa, rơm rạ và thải ra môi trường một lượng khói carbon
Bên cạnh đó việc canh tác liên tục 3 vụ mùa trong năm (có địa phương làm tới 7 vụ/2 năm), khoảng thời gian tính từ lúc làm đất cho tới khi thu hoạch lúa mỗi vụ kéo dài hơn 3 tháng, thời gian còn lại không đủ để đất được nghỉ ngơi, phân giải và phục hồi hệ sinh thái vốn đã bị ảnh hưởng bởi việc bón phân hóa học, phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Như đã nói, môi trường đất nông nghiệp của Việt Nam nói chung và mặt nền đất ruộng lúa nói riêng đã bị chai cứng, độ phì giảm nghiêm trọng, nếu lội trên mặt ruộng có thể thấy độ lún sình còn rất ít (chỉ khoảng 15-20cm) vì việc bón quá nhiều phân hóa học để thúc đẩy tăng trưởng đạt năng suất mong muốn. Mặt đất chai cứng vì hệ vi sinh vật có lợi như giun trùn trong đất cũng không còn vì bị đốt, không có thức ăn từ chất hữu cơ (xác rơm rạ phân hủy) và lại không kịp phục hồi vì thời gian nghỉ vụ quá ngắn, thêm nữa là bị tiêu diệt bởi hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật và từ chính các chất tồn dư từ những lần bón phân hóa học với khối lượng lớn.
Liên tiếp các nguyên nhân đó mà cây lúa sẽ ngày càng phải phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tất cả bắt nguồn từ thói quen canh tác và sự thiếu kiến thức về đời sống sinh trưởng của cây trồng, của môi trường tự nhiên.
Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp cải tạo môi trường đất thì việc kết hợp các kiến thức về đời sống sinh trưởng của cây lúa mới là chìa khóa để có thể sản xuất theo hướng hữu cơ hiệu quả. Vì vậy trong phạm vi bài viết này, Tiếng sẽ chia sẻ thêm một số thông tin về đời sống sinh trưởng của lúa sẽ biểu hiện và thói quen canh tác, ứng xử thông thường của nông dân – lý giải cơ chế để kết hợp và phương án cải tạo để tăng hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng.
Hiểu về đời sống sinh trưởng của lúa và thói quen của người nông dân ảnh hưởng đến môi trường đất: Với thói quen canh tác thông thường, người nông dân chúng ta đã sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở những giai đoạn không cần thiết, nhưng vì thiếu thông tin về đời sống sinh trưởng của cây lúa và sâu dịch hại, chỉ nhìn những biểu hiện bên ngoài để xử lý mà vô tình đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất trồng.
Một ví dụ cụ thể để làm rõ điều này: Khi lúa ở giai đoạn 10 ngày tuổi thông thường sẽ gặp phải bù lạch (bọ trĩ) cắn mép lá làm lá lúa quắn lại và ruộng lúa sẽ có màu vàng, người dân sẽ lo sợ loại sâu hại này cắn phá làm chết lúa và nghĩ rằng lúa bị thiếu phân và sẽ phun một đợt thuốc diệt bọ trĩ và bón đợt phân đầu tiên. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm quan vì lúa ở giai đoạn này có 3-4 lá non, và cứ theo quá trình phát triển, cây lúa sẽ tiếp tục ra lá mới còn lá cũ dù không bị sâu bệnh cũng sẽ già và rục đi (7 ngày 3 lá; 10 ngày 4 lá; 12-15 ngày 5 lá). Trong khi đó bù lạch (bọ trĩ) rất nhỏ, chỉ có thể cắn mép những lá non trong vòng khoảng 5-7 ngày, sau khoảng thời gian đó sẽ chết hoặc di cư (theo đúng vòng đời của sâu hại thông thường) cũng là lúc cây lúa phát triển lá mới to hơn, khỏe hơn – và màu lúa sẽ xanh trở lại. Về mặt dinh dưỡng trong giai đoạn này cây lúa không hề thiếu phân bởi vì toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của cây con không nhiều trong khi lớp đất bề mặt đủ tơi xốp và dinh dưỡng cho cây, rễ lúa lúc này ở khoảng 8-10 ngày tuổi đạt khoảng 10cm ăn thẳng để hút chất dinh dưỡng, và tiếp tục ăn thẳng tới 25-30cm cho tới lúc trổ bông sẽ ăn ngang để giữ cho cây lúa không bị đổ ngả trong thời tiết mưa bão. Nếu môi trường đất đủ dinh dưỡng, rễ lúa sẽ tiếp tục ăn sâu xuống để hút chất dinh dưỡng.
Khi được bón một lượng phân tức thì – rễ lúa sẽ có xu hướng ăn lên phía trên bề mặt để tích lũy ngay lượng dinh dưỡng cần thiết. Rễ lúa ăn nông sẽ tăng nguy cơ đổ ngả trong mùa mưa bão.
Như vậy, hiểu rõ cơ chế sinh trưởng của lúa ở giai đoạn này và đặc tính chu kỳ đời sống của bọ trĩ và trong đất có đủ chất dinh dưỡng (bằng cách cải tạo môi trường đất) thì chúng ta hoàn toàn không cần phải sử dụng lần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở giai đoạn này. Việc bón phân ngay trong giai đoạn này sẽ làm rễ lúa có xu hướng ăn trên bề mặt, và với lượng phân lớn trong khi nhu cầu dinh dưỡng của lúa non còn thấp sẽ dư lại một lượng phân bón kết hợp với thuốc bảo vệ thực vật sẽ dần làm chai hóa đất – nguyên nhân cơ bản làm cho đất ngày càng chai cằn và cây trồng phải phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn.

2. Những phương án cải tạo đất – bổ sung, tích lũy dinh dưỡng để không phải sử dụng phân bón khi canh tác.
Từ những nguyên nhân kể trên – trong quá trình làm, chúng ta chỉ cần khắc phục những vấn đề thuộc nhận thức – thói quen canh tác, đồng thời tác động thêm những yếu tố tự nhiên để phục hồi, bổ sung dinh dưỡng

Chỉ thu hạt lúa – trả lại rơm rạ cho đất: Sau mỗi vụ lúa, chúng ta có khoảng 500 gram thân lúa, rơm rạ trên mỗi mét vuông đây là một lượng sinh khối hữu cơ tại chỗ, sau khi vùi lấp xuống, lượng sinh khối này sẽ là môi trường và thức ăn cho các loại giun trùn, vi sinh vật giúp phân hủy và trả lại lượng hữu cơ tự nhiên. Qua thời gian 3,4 vụ vùi lấp liên tục (kết hợp với việc không đốt đồng, không sử dụng hóa chất làm chết đi các loại vi sinh vật) thì độ tơi xốp của đất sẽ tăng lên đáng kể (30-49cm).



Vi sinh vật trong đất
Làm 1 năm 2 vụ cho đất nghỉ và bổ sung dinh dưỡng cho đất
Nghỉ đồng:
 Đây là thời gian nghỉ cần thiết vì sau một thời gian cây lúa sinh trưởng và hút đi phần lớn dinh dưỡng trong đất thì đất cần phải được nghỉ ngơi, khoảng thời gian này giúp cho các vi sinh vật phân hủy lượng rơm rạ - chuyển hóa hoàn toàn lượng sinh khối hữu cơ thành dinh dưỡng cho cây trồng tránh xảy ra ngộ độc hữu cơ (sinh khối hữu cơ chưa phân giải hoàn toàn). Thay vì canh tác 3 vụ/năm, cánh đồng của Tiếng chỉ canh tác 2 vụ, thời gian còn lại sẽ cho xả lũ, nuôi vịt và trồng sen, thả rau muống…bên cạnh mục tiêu kinh tế thì sẽ tận dụng ở mỗi loại một khả năng cải tạo môi trường đất nước theo cách tự nhiên của chúng.
Xả lũ: Chúng ta đều biết nước lũ sẽ mang một lượng phù sa nhất định cho ruộng đồng. Có 2 cách để có lũ, hoặc là lũ tự nhiên hoặc là xả lũ chủ động bằng việc bơm nước xả đồng (với cánh đồng có thiết kế bờ bao khép kín như Tâm Việt). Qua mỗi mùa lũ – sẽ có khoảng 3-5cm phù sa có được trên bề mặt đất.

Thả vịt, cá: Với một môi trường không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên các loại cá đồng bản địa được phục hồi (cá rô, lóc, trê, long tong…) với việc chủ động xả rút nước trong đồng ruộng trong thời gian canh tác và thời gian xả đồng, những loài cá này sẽ đi ăn một lượng lớn côn trùng, vi sinh vật và thải lại phân với hàm lượng đạm cao bổ sung cho đất trở thành một phần dinh dưỡng cho lúa. Bên cạnh đó, Tiếng điều tiết nước trong đồng để thả vịt theo tuổi lúa (lượng nước đủ cao cho vịt bơi càn lướt mà không làm gãy dập lúa), vịt sẽ ăn ốc bươu, côn trùng và cũng sẽ thải lại một lượng phân, ngoài hàm lượng dinh dưỡng trong phân vịt đây là nguồn thức ăn phù hợp cho các các chủng vi sinh vật cải tạo môi trường đất.


Trồng sen, thả rau muống: Đây là những cỗ máy tự nhiên giúp làm sạch nước và đất đồng thời để lại một lượng sinh khối hữu cơ bổ sung cho đất. Trong thời gian canh tác, rau muống và sen được trồng dọc các bờ kênh, vào vụ nghỉ đồng sẽ được trồng trên mặt ruộng vừa cải tạo cảnh quan, vừa làm nhiệm vụ hấp thụ các tồn dư hóa học trong nước và đất. Rễ rau muống sẽ hấp thụ và lọc các chất hóa học trong nước – giảm dần lượng tồn dư trong nước. Còn đối với sen, hệ thống rễ, ngó ăn sâu sẽ giúp hấp thu các loại kim loại nặng trong đất và nước.
Sau 3-4 vụ, những mẫu nước, đất từ cánh đồng Tâm Việt của Tiếng được gửi đi kiểm định đều đạt các chỉ số theo tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, EU. Cùng với nhiệm vụ xử lý hóa chất, kim loại nặng tồn dư, sau mỗi vụ được thả, một khối lượng lớn sinh khối hữu cơ từ thân, lá, rễ sen và rau muống sẽ được vùi lấp bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho đất.



Ngoài nhiệm vụ lọc nước, đất, lượng sinh khối từ rau muống, sen sẽ bổ sung thêm những nguyên liệu cần thiết giúp tăng dinh dưỡng trong đất

3. Kết quả:

Với những phương pháp cải tạo trên, trong những vụ đầu năng suất lúa trên cánh đồng Tâm Việt đạt khoảng 3 tấn/ha sau 1 năm lên 4 tấn/ha và ở thời điểm hiện tại năng suất đạt khoảng 6 tấn/ha – như vậy năng suất lúa đã được cải thiện và tăng dần. Quan trọng hơn, môi trường đất trên cánh đồng được đảm bảo hoàn toàn tự nhiên. Nếu tính về hiệu quả kinh tế thì cho dù năng suất thấp hơn việc canh tác thông thường sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhưng chất lượng gạo của Tiếng là hoàn toàn tự nhiên – 100% hữu cơ và sẽ bán với giá thấp nhất là gấp đôi giá gạo thông thường trong khi không phải mất thêm chi phí đầu tư phân thuốc, bên cạnh đó là các nguồn thu từ vịt, cá, sen và các dịnh vụ du lịch sinh thái.

Theo: chuyenlamnong.com

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger