MẤT KIỂM SOÁT THUỐC BVTV - NỖI LO CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Một vụ lúa xịt thuốc 6-9 lần

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, VN đang có xu hướng ngày càng nhập khẩu nhiều thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Tháng 8, VN nhập khẩu 79 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu (khoảng 1.800 tỉ đồng), nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu 8 tháng đầu năm 2017 lên trên 660 triệu USD (trên 15.000 tỉ đồng), tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chính vẫn là Trung Quốc. Liên tục nhiều năm gần đây, lượng thuốc trừ sâu, nguyên liệu nhập về VN ngày càng có xu hướng tăng và qua khảo sát thực tế, việc lạm dụng cũng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Phạm Văn Bảnh - trồng 4ha lúa và hoa màu xen canh vụ 3 tại huyện Châu Thành, Kiên Giang - công nhận chuyện nông dân ngày càng lệ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Ông Bảnh lý giải trước kia trồng lúa mùa, mỗi năm 1 vụ duy nhất, giống lúa ngày đó rất khỏe, bụi lớn, cây lúa mọc cao nên chuyện sâu bệnh gần như không có. Nhưng từ lúc tăng từ 1 vụ lúa mùa/năm lên 2 vụ, thậm chí 3 vụ, ruộng đất không có thời gian phơi ải để diệt mầm bệnh nên phải phun thuốc trừ sâu.
Ông Bảnh liệt kê chi tiết 1 vụ lúa khoảng 90 ngày, đã có tới 7-8 lần xịt thuốc.
Cụ thể, vừa sạ lúa xong là tiến hành xịt thuốc diệt mầm bệnh; bơm nước vô ruộng là phải xịt thuốc diệt cỏ; sau đó tùy theo loại sâu bệnh mà tiếp tục xịt nhiều loại thuốc khác nhau (thường phải vài lần), cứ 1 lần bón phân là sau đó phải xịt thuốc BVTV. Trước thu hoạch khoảng 20 ngày, phun thuốc dưỡng hạt.

 

Ông Nguyễn Văn Tùng, phó Phòng nông nghiệp huyện An Minh, Kiên Giang, công nhận ở nơi trồng lúa 2-3 vụ, bình quân số lần phun thuốc BVTV 6-9 lần. Riêng ở An Minh, do luân canh trồng lúa và nuôi tôm, tối thiểu phải phun 3 lần.
Ông Phạm Văn Bảnh tính chi phí phun thuốc BVTV là 7-8 triệu đồng/ha/vụ, trồng rau còn phải phun nhiều hơn. "Chủng loại thuốc thì vô phương nhớ nổi, có loại làm xanh lá, có loại làm to trái, bóng vỏ, thậm chí sau khi thu hoạch vẫn phải xịt thuốc để rau củ quả tươi lâu, tránh thương lái ép giá" - ông Bảnh nói.
Lão nông Bùi Văn Thanh (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết vụ hè thu năm nay, nghe lời khuyến cáo, trước khi gieo sạ ông không phun thuốc diệt cỏ bờ như mọi năm. Lúc ủ giống, ông cũng không trộn thuốc để kích thích nảy mầm, ngưng rải thuốc diệt ốc bươu vàng. Thế rồi sau một tuần, tỉ lệ nảy mầm chưa tới 10% do bị cỏ dại lấn lướt, ốc bươu vàng tấn công. "Biết dùng quá tay thuốc BVTV độc hại cho người tiêu dùng và môi trường nhưng không xài thuốc đồng nghĩa chấp nhận rủi ro", ông Thanh phân trần.
Anh Thạch Hiền (thành phố Sóc Trăng) cũng cho biết để trồng rau màu có thu hoạch, đôi khi phải làm điều mình... không muốn, là phun thuốc BVTV. Băn khoăn không hiểu sao bây giờ nhiều sâu bọ vậy, anh Hiền cho biết đang trồng riêng rau để gia đình ăn, rau phun thuốc đem bán.
Kỹ sư Lê Văn Đá - phó chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Kiên Giang - công nhận qua khảo sát thực tế, những năm gần đây nhiều nông dân không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thành phần và liều lượng khi phun thuốc BVTV. Thậm chí có người còn tự ý pha trộn nhiều loại thuốc để đạt hiệu quả cao hơn.  "Đây là điều hết sức sai lầm và nguy hiểm" - ông Đá nói.


Chỉ khuyến cáo, nhắc nhở

Đó là khẳng định của nhiều lãnh đạo UBND xã về việc chính quyền có xử phạt nông dân nếu họ lạm dụng thuốc BVTV. Theo ông Trương Thanh Bình, chủ tịch UBND xã Đại Hải (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), vẫn còn không ít nông dân vì lợi nhuận, sử dụng quá liều lượng thuốc BVTV.  Đặc biệt, giai đoạn lúa gần thu hoạch, không ít nông dân lạm dụng thuốc kích thích để hạt to và sáng. Vụ đông xuân vừa qua, một số nông dân lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng khiến hạt bị nứt, thương lái không mua, phải bán cho vịt ăn. "Địa phương chủ yếu khuyến cáo, nhắc nhở bà con. Mục đích là từng bước thay đổi thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp", ông Bình nói.
Theo ông Cao Xuân Điệu - chủ tịch UBND xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang, xã khuyến cáo bà con không nên sử dụng thuốc trừ sâu nhiều, thường xuyên tuyên truyền trên loa phóng thanh và nhắc nhở bà con là chính. "Xã chưa xử phạt ai và cũng chưa có quy định xử phạt trong vấn đề này" - ông Điệu nói.


Cần mạnh tay

Một chuyên gia ở Bộ NN&PTNT nói thẳng: tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hiện nay là báo động, gặp người thân là nông dân, họ nói thẳng luôn không nên ăn loại rau này, quả kia, vì sắp thu hoạch vẫn phun. Theo vị chuyên gia này, muốn giảm nguy cơ bệnh tật, đau khổ cho người dân, chính quyền phải vào cuộc mạnh hơn, nhất là chính quyền xã. "Phải có mức xử phạt mạnh, coi việc phun thuốc trái quy trình là tội ác, gây bệnh tật chết chóc cho người khác" - vị chuyên gia nói và cho rằng không ai có thể lấy lý do không phun thuốc không có lãi, để rồi bán thực phẩm độc cho người khác.
Theo ông Trần Chí Viễn - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, muốn giảm phụ thuộc vào thuốc BVTV như hiện nay, Chính phủ cần phải có chiến lược xây dựng một nền nông nghiệp "sạch" trên quy mô cả nước, không thể để các địa phương tự thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm. Lấy một ví dụ, hiện nay nhiều địa phương nuôi tôm luân canh trên ruộng lúa để có lúa "sạch". Nhưng sản phẩm từ đây nông dân chỉ dùng để ăn, hoặc bán nhỏ lẻ quanh vùng.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT - đề nghị để giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trừ sâu, cần có chính sách thúc đẩy áp dụng rộng rãi biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, theo hướng hữu cơ - sinh học.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huyền, một người trồng rau hữu cơ khá nổi tiếng ở Hà Nội, cho hay trang trại của chị có thể bón rau quả bằng mật mía ủ với vi sinh, trừ sâu hại bằng cách bắt bằng tay và đa dạng danh mục cây trồng trong trang trại. Hai năm đầu năng suất rất thấp, nhưng từ năm thứ 3 năng suất đã tăng. Chị Huyền cho rằng những người trồng rau hữu cơ phải rất kiên nhẫn...
Theo các chuyên gia, vấn đề là Nhà nước phải chống được việc gian lận, xử lý nghiêm những kẻ trà trộn rau không rõ nguồn gốc vào rau sạch, như thế tự nhiên nông sản sạch sẽ dần có đất sống, từ đó hạn chế dần nông sản không an toàn.

Nông dân chịu tác hại đầu tiên

Tác hại của thuốc BVTV là vô cùng nguy hiểm. Kết quả thực nghiệm cho thấy với loại khẩu trang chuyên dụng 18 lớp, sau xịt thuốc sâu, lớp vải trong cùng vẫn phơi nhiễm một lượng thuốc sâu đáng kể. Trong khi đó, những người đi làm thuê hoặc nông dân đi phun thuốc sâu hầu hết không mang bao tay, nhiều người không mang cả khẩu trang. Trang bị như vậy, khi phun thuốc BVTV chắc chắn sẽ phơi nhiễm trực tiếp. Nông dân cần thực hiện nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng thành phần và liều lượng. Với rau quả, nông sản sau khi phun thuốc BVTV, ít nhất phải 15-20 ngày mới được thu hoạch. Gần đây, chúng tôi có nghe nhiều nơi bà con phun các loại hóa chất bảo quản bề mặt để tăng giá bán ngay trước thu hoạch. Hành động này là tuyệt đối không nên, nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Khi phun thuốc BVTV, người phun phải chọn hướng trên gió, nên phun vào lúc giữa trưa có nắng, tránh phun ngay trước khi trời mưa vì thuốc sẽ bị rửa trôi ngấm vào đất, vào mạch nước ngầm vô cùng nguy hại cho cộng đồng. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi khuyến cáo bà con hạn chế sử dụng thuốc sâu.


Theo Khoa Nam báo Tuổi trẻ

 

 
Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger