LO NGẠI BÙNG PHÁT DỊCH BỌ CÁNH CỨNG PHÁ HOẠI CÂY TRỒNG

Bùng phát bọ cánh cứng phá hoại cây trồng:

Gần một tháng trở lại đây, tại Bình Phước, một loài bọ cánh cứng bất ngờ bùng phát phá hoại cây trồng, làm đảo lộn đời sống của người dân…

Tấn công cả vườn cây lẫn nhà dân

Dọc theo Quốc lộ 14 đến các tuyến đường liên xã của huyện Hớn Quản (Bình Phước) những ngày này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những vườn điều, xoài xơ xác, trơ trọi lá vì bọ cánh cứng (người dân còn hay gọi là bọ xòe) gây hại. Người dân địa phương cho biết, bọ cánh cứng xuất hiện ở đây gần chục năm qua. Tuy nhiên, những năm trước không đáng kể.

Năm nay, không biết vì lý do gì chúng lại xuất hiện khá dày đặc. Hiện người dân rất lo lắng vì lá cây trồng bị ăn hết, từ đó mất khả năng quang hợp, cây bị suy kiệt, sản lượng giảm, thậm chí chết, trong khi chưa biết cách phòng trị hữu hiệu.

Ghi nhận thực tế tại mộ số vườn xoài trên địa bàn xã Đồng Nơ (huyện Hớn Quản), thời tiết mưa phùn nhiều ngày qua là môi trường thuận lợi để bọ cánh cứng sinh sôi, phát triển. Ở một số vườn cây đã có hiện tượng bọ cánh cứng cắn lá, cành nham nhở, thậm chí nhiều vườn chỉ còn lại trái non treo lủng lẳng. Nhà vườn đã mua thuốc BVTV về phun xịt nhưng không ngăn chặn được sự tấn công ồ ạt của bọ cánh cứng.

Chị Phạm Thị Huyền Trang ở ấp Đồng Tân, xã Đồng Nơ có 7 ha xoài đang trong tuổi thu hoạch, nhưng chỉ trong vài ngày qua, bọ cánh cứng đã khiến gần 1/3 diện tích xoài bị tàn phá và chưa có dấu hiệu dừng lại. Với phương pháp chong đèn, mỗi ngày chị bắt hàng chục nghìn con. Tuy nhiên, phương pháp này xem ra không hiệu quả vì số lượng bọ quá nhiều.

“Hiện bọ cánh cứng đã ăn hết phần lá non của cây xoài. Nếu không ngăn chặn được thì chỉ ít tuần nữa toàn bộ lá của cây xoài sẽ bị ăn hết. Với tình trạng này, chắc chắn cây xoài bị suy kiệt, mùa vụ năm sau sẽ giảm năng suất", chị Trang lo lắng.

Tương tự, gần 1 ha xoài và điều của gia đình anh Nguyễn Hữu Công ở gần đó cũng bị bọ cánh cứng gặm sạch. Anh Công cho biết, khi phát hiện bọ cánh cứng, nhà anh đã mua thuốc BVTV về phun nhưng chỉ ít ngày sau chúng lại xuất hiện.

"Sau hơn một tháng bị ăn hết lá, cây đang đâm chồi lại, nhưng bọ xòe lại tiếp tục quay lại tấn công. Với tình hình này, chắc chắn cây bị suy kiệt, năng suất mùa sau sẽ giảm mạnh, một số cây hiện đã bị chết. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng về xem xét thực tế và có biện pháp hỗ trợ nông dân phòng trừ loại côn trùng này", anh Nguyễn Hữu Công đề nghị. 

Không chỉ hại cây trồng, bọ cánh cứng còn làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của người dân. Bọ cánh cứng chủ yếu hoạt động vào ban đêm, chỉ cần thấy ánh sáng là chúng ùa vào khiến người dân nơi đây ăn không ngon ngủ không yên. Không ít hộ, để hạn chế bọ vào nhà, người dân phải đóng kín cửa và bật điện ngoài sân rồi “cố thủ” trong nhà.

Chị Hồ Thị Đại ở ấp 3, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản kêu trời: "Nhà tôi ở cạnh vườn điều nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù tối đến nhà đóng kín cửa nhưng bọ cánh cứng vẫn chui vào qua các chỗ thông gió. Khi rớt xuống nền nhà, bọ nhả ra chất màu đỏ giống như máu loãng. Tối đến chúng lao đầu vào mái tôn nhà tạo tiếng động gây mất ngủ".

Cần giải pháp triệt để

Liên quan vấn đề này, ông Trần Hải Hà, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hớn Quản cho biết, đơn vị đã nắm được việc bọ cánh cứng tấn công gây hại cây trồng trên địa bàn. "Có nhiều xã trên địa bàn huyện bị loài bọ này tấn công. Chúng tôi đang cho người thống kê diện tích, mức độ thiệt hại của các hộ dân", ông Hà nói.

Theo ông Hà, cách đây 2 tuần, Phòng NN-PTNT huyện đã làm việc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để đưa ra hướng xử lý vấn đề này. Ông Hà cho biết loài bọ này khó tiêu diệt, không dễ dàng phun xịt như các loại côn trùng thông thường. Hiện Phòng NN-PTNT đang chờ Trung tâm đưa ra giải pháp giúp người dân phòng chống loài bọ này.

Về biện pháp phòng trừ loài bọ này, TS Nguyễn Văn Bắc, công tác tại Trung tâm Khuyến nông huyện Bù Đốp (Bình Phước) cho biết: Trên thế giới có 200 loại bọ cánh cứng, đối với bọ cánh cứng ăn lá ít thấy mô tả trong các tài liệu trong nước. Nhiều khả năng, bọ này thuộc loại bọ ăn lá xoài (Chafer beetles) có tên khoa học là Apogonia sp, thuộc họ Scarabaeidae, bộ Coleoptera. Gây hại chủ yếu trên cây các loại cây công nghiệp và cây ăn quả như cọ, dừa, điều, xoài… 

Theo tài liệu, trứng bọ ăn lá được đẻ thành từng khối, gần gốc, gồm nhiều trứng, mỗi trứng được bọc trong lớp đất cứng. Trứng dài 1,0 – 1,3 mm, màu trắng, về sau phồng to, tròn. Giai đoạn ủ trứng khoảng 9 ngày. Ấu trùng mới nở dài khoảng 3 mm và đạt 15 mm trước khi hoá nhộng khoảng 10 – 11 tuần sau.

Sùng sống trong đất, ăn rễ nhiều loại cây trồng, cỏ dại và các chất hữu cơ phân hủy. Giai đoạn ấu trùng dài khoảng 72 ngày; tiền nhộng 2 – 3 ngày; nhộng: 7 – 10 ngày; vòng đời khoảng 3 tháng. Thành trùng thời gian đầu có màu nâu, sau chuyển sang đen.

Ở Đông Nam bộ nói chung, Bình Phước nói riêng, bọ thường bộc phát và gây hại vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5). Sau khi vũ hóa, bọ ăn lá, cành non của cây mọc hoang lẫn cây trồng. Chúng chủ yếu ăn phá về đêm, ban ngày sống ẩn mình dưới lớp đất mặt.

Để phòng trị, TS Nguyễn Văn Bắc khuyến cáo hiện có 3 phương pháp: Biện pháp thủ công, có thể dùng bẫy đèn đồng loạt tại các khu vực xuất hiện nhiều bọ cánh cứng gây hại. Biện pháp hoá học, sử dụng thuốc trừ sâu có hoạt chấp Permethrin, profennophos để xịt vào lúc chiều tối. Biện pháp sinh học, dùng bacillus thuringiensiss (Tricho-BT), Metarhizium anisopliae (nấm xanh) để xịt lên cây và vào đất để diệt trứng và con non trước khi thành trùng.

Hiện tại, bọ cánh cứng vẫn tiếp tục gây hại trên nhiều diện tích cây trồng tại huyện Hớn Quản và có nguy cơ lây lan ra diện rộng ở các địa bàn lân cận.

Hiệu quả nhất là bẫy đèn:

Cục BVTV cho biết: Qua làm việc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hớn Quản (Bình Phước) được biết: Loài bọ cánh cứng này đã xuất hiện trong vài năm gần đây, thường phát sinh từ đầu mùa mưa (tháng tư), kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 5 sẽ giảm (thực tế đến ngày 10/5/2021 đã giảm so với 1 tháng trước).

Bọ trưởng thành hoạt động về đêm, ăn các loại lá cây (điều, xoài, cao su…) và có xu tính mạnh với ánh sáng. Do vậy biện pháp an toàn, hiệu quả nhất hiện nay là sử dụng bẫy đèn (công suất cao sẽ thu hút mạnh hơn), bên dưới đặt chậu nước có lớp váng dầu hỏa hoạt dầu nhớt, bọ cánh cứng lao vào đèn rơi xuống chậu nước, váng dầu sẽ bít kín lỗ thở ở 2 bên bụng bọ cánh cứng gây chết nhanh.

Ngày 10/5/2021, Cục BVTV cũng đã cử đoàn công tác do ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (thuộc Cục BVTV) làm trưởng đoàn đến Bình Phước nắm tình hình, lấy mẫu bọ cánh cứng và gửi giám định để biết tên khoa học, từ đó nắm được tập tính, đặc điểm sinh học, cây ký chủ để xác định biện pháp phòng trừ phù hợp, hiệu quả nhất.

Cục BVTV cũng khẳng định rằng loài bọ cánh cứng này đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, không phải sinh vật gây hại chủ yếu trên các loại cây trồng ở Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, có một số loài mới phát sinh như bọ “đậu đen”, bọ cánh cứng hại cà phê ở Kon Tum, sâu ăn lá cây lâm nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Chúng là các loài gây hại trên cây lâm nghiệp nhưng khi bùng phát số lượng đã lan sang gây hại cây trồng hoặc làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nhưng không gây hại (như bọ “đậu đen”) .

Cũng theo Cục BVTV, năm 2018 có loài bọ cánh cứng tương tự cũng từng xuất hiện gây hại lá non cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản ở xã Đắc Ma, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum nhưng kích thước nhỏ hơn. Kết quả giám định là loài Maladera castanea, họ Scarabaeidae, bộ Coleoptera.

Trung tâm BVTV miền Trung (thuộc Cục BVTV) đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Kon Tum hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp bẫy đèn thu hút để diệt bọ cánh cứng, bảo vệ cây cà phê trong các năm qua...

Nguồn: Nongnghiep.vn.

 

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger