KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC DO THIẾU PHÂN BÓN, CÁC NƯỚC NGHÈO PHẢI ĐỐI MẶT THẾ NÀO?

Tình trạng thiếu hụt phân bón phục vụ sản xuất trên toàn cầu đang đẩy giá hàng hóa lên cao và khiến các nước nghèo hơn phải đối mặt với khủng hoảng lương thực. 

Đây là chia sẻ của người đứng đầu nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới Yara International chia sẻ với hãng truyền thông đa phương tiện vương quốc Anh BBC.

Theo ông Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành của tập đoàn sản xuất phân bón Yara International, giá khí đốt thế giới tăng ngày một cao hơn đang đẩy chi phí sản xuất phân bón tăng theo và ảnh hưởng đến giá thực phẩm trên toàn thế giới.

Nguyên nhân là phân bón đòi hỏi một lượng lớn khí đốt trong quá trình sản xuất. Bởi vậy, ông Holsether cho biết, nhà sản xuất Yara đã buộc phải cắt giảm sản lượng do giá khí đốt tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt mặt hàng này.

Giám đốc điều hành Yara International cho biết, các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt phân bón, dẫn đến năng suất và mùa màng cây trồng giảm và đẩy giá lương thực tăng.

"Điều đó thực sự là đáng sợ, chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực và những người dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng rất nặng nề", ông Svein Tore Holsether nói trên chuyên mục nóng ‘Chương trình hôm nay’ của kênh BBC.

"Nó đang và sẽ tiếp tục tác động đến giá thực phẩm trên toàn thế giới và đánh thẳng vào túi tiền của nhiều người. Nhưng đối với một số người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đây không chỉ là câu hỏi về ví tiền, mà còn là câu hỏi về sự sống hay cái chết", ông Holsether khẳng định.

Theo ông Holsether, ít phân bón hơn có nghĩa là nông dân ở các nước đang phát triển sẽ không thể nào trồng trọt một cách hiệu quả, dẫn đến các vụ mùa bị thu nhỏ hơn.

Nông dân cần phải bón phân để tăng năng suất các loại cây trồng như ngô, cải dầu và lúa mì. Trong khi đó quá trình tạo ra amoniac có trong nhiều loại phân bón, hiện vẫn phụ thuộc vào thủy điện hoặc khí tự nhiên.

Việc tăng giá khí đốt trong những tháng gần đây được kích hoạt bởi một số yếu tố làm tăng nhu cầu, bao gồm sự mở cửa của các nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch cộng với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng trồi sụt đối với năng lượng tái tạo.

Điều này đã khiến chi phí sản xuất phân bón tăng mạnh, với giá amoniac - sản phẩm mà Yara International sản xuất nhiều hơn bất kỳ hãng nào trên thế giới – tăng tới 255% so với năm ngoái.

Ông Holsether cho biết tình hình là "rất bất ổn" và kêu gọi các nguồn hỗ trợ và tài trợ cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) "để tránh xảy ra nạn đói trên quy mô lớn".

Lãnh đạo tập đoàn phân bón hàng đầu thế giới cho biết thêm, vào năm ngoái Yara đã tặng 40.000 tấn phân bón cho nông dân ở các trang trại quy mô nhỏ tại Đông Phi để tăng gấp ba lần năng suất cây trồng của họ. Điều đó đã nói lên rất nhiều về tác động mà phân bón có thể tạo ra cho an ninh lương thực.

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc của sản xuất lương thực vào phân bón hóa học và nhất là giá cả liên tục tăng cao của nó làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất ở nhiều quốc gia, vốn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng cả trong ngắn hạn và trung hạn.

Dữ liệu thống kê của Nhóm chuyên gia tư vấn thị trường nông nghiệp trước đó cho biết: Tại Mexico, giá phân bón đã đạt mức lịch sử. Ví dụ như phân amoniac khan, đầu năm nay có giá khoảng 8 nghìn peso, thì nay đã lên tới 18 nghìn peso; tương tự là phân urê từ 7 nghìn peso rồi lên hơn 14 nghìn, thậm chí có nơi nông dân đã phải trả giá gấp ba lần.

Theo Liên minh các doanh nghiệp vừa và nhỏ Mexico (Anpec), đơn vị thực hiện giám sát hàng tháng về giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản, từ nửa cuối tháng 9 đến nay, giá một số loại rau như hành tây, khoai tây và cà chua đã tăng trung bình từ 30% đến 60%.

Đặc biệt là nhiều sản phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân đã và tiếp tục tăng mạnh là đậu, tăng 16,67%, gạo tăng 20%. Nhìn chung, mức tăng chỉ số giá của rổ thực phẩm cơ bản đều đã tăng mạnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến người sản xuất nông nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến giá cả thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người dân. 

Nguồn: nongnghiep.vn

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger