Ca cao “giải hạn” cho cây điều, thoát cảnh lỗ mà tiền tăng gấp đôi

Trồng xen, lợi ích nhân đôi

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng từ thị trường nhập khẩu cho đến vùng cung cấp nguyên liệu, giá điều thô trong nước giảm sâu đúng mùa thu hoạch năm nay. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết: Năm nay, thời tiết thuận lợi nên dự báo sản lượng điều sẽ tăng cao. Tuy nhiên, giá điều hiện khá thấp, dao động 26.000-27.000 đồng/kg nên người trồng kém vui.

Tại huyện Long Thành (Đồng Nai), anh Tấn Tâm - người trồng điều cho biết, có thời điểm giá điều chỉ còn 23.000 - 25.000 đồng/kg, khiến nhiều người chẳng buồn thu hái. Gia đình anh có khoảng 1ha điều nhưng trồng rải rác nhiều nơi, mỗi ngày đi nhặt quả được chừng 5 - 7kg.


Nông dân tỉnh Đồng Nai đang nhận được sự hỗ trợ từ chính sách cánh đồng lớn ca cao. Ảnh: Trần Khánh. Nguồn danviet.vn
 

Do số lượng không đáng kể, việc giữ lại phơi không tốn nhiều thời gian nhưng giá bán cũng không cao nên anh thường bán luôn hạt tươi cho thương lái. “Sắp tới, chắc phải tính lại phương thức canh tác chứ cây điều hiệu quả kém lại nhiều bấp bênh” - anh tâm sự.

Trong lúc giá điều vẫn đang dưới đáy sâu, thì hạt ca cao vẫn được thu doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. Hiện tại, giá hạt ca cao tươi đang ở mức 6.200 đồng/kg, tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với mức bình quân năm 2019.

Tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Thu là một trong những người sớm áp dụng mô hình trồng ca cao xen điều và đang cho hiệu quả khá. Theo ông Thu, vùng trồng ở địa phương đất đai vốn khô cằn. Nhiều nơi, đất lẫn trong đá nên cây ăn quả hoặc cây ngắn ngày khó phát triển. Nhiều diện tích trồng điều theo kiểu lấp chỗ trống cho đất, năng suất và hiệu quả không cao.

Nhờ Hội Nông dân hướng dẫn, từ năm 2017, ông Thu bắt đầu trồng xen ca cao trong 3ha vườn điều của mình. Cây ca cao có thể phát triển tốt dưới tán các loại cây khác nên mô hình trồng xen này giúp giảm được chi phí đầu tư phân bón, nước tưới, vừa nâng cao giá trị sử dụng đất.

Ước tính mỗi ha ca cao cho năng suất bình quân từ 10-15 tấn trái tươi. Với giá bán đang được doanh nghiệp bao tiêu như hiện nay, nông dân có thể thu lợi chục triệu đồng mỗi ha, bổ sung vào nguồn thu bấp bênh của hạt điều.

Ông Thu cho biết, có những vụ điều ông làm không có lời, thậm chí lỗ vốn do thời tiết nắng hạn gây ra tình trạng điều cháy bông, dịch bệnh nhiều hoặc giá xuống thấp.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 3 năm trở về trước. Bởi hiện tại, nguồn thu từ ca cao xen canh trong vườn điều của ông đã tăng gấp đôi và dự kiến từ năm sau trở đi, nguồn thu từ ca cao sẽ gấp 3-4 lần điều. Cái lợi của mô hình trồng xen, chính là cái nọ bù cái kia, đặc biệt là năng suất cây điều cũng tăng lên khoảng 0,5 tấn/ha nhờ được hưởng lợi phân bón, nước tưới trong quá trình chăm sóc ca cao.

“Theo tính toán của doanh nghiệp bao tiêu, năng suất ca cao từ năm thứ 7 trở đi sẽ đạt khoảng 30 tấn/ha, khi đó lợi nhuận sẽ tăng lên. Lợi nhuận và đầu ra thuận lợi là hai yếu tố giúp tôi có động lực xen canh” - ông Thu nói.

Liên kết doanh nghiệp, yên tâm chăm vườn cây


Giá hạt ca cao tươi đang ở mức 6.200 đồng/kg, tăng khoảng 300-500 đồng/kg so với mức bình quân năm 2019.  Ảnh: Trần Khánh nguồn danviet.vn
 

Tại huyện Định Quán, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức là một trong những đơn vị thực hiện bao tiêu sản phẩm của nhiều nông dân trồng ca cao trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Ông Đặng Trường Khanh - Giám đốc Công ty cho biết, mô hình cao cao xen điều phát triển khá tốt trong 3 năm trở lại đây.

Hiện công ty ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân với giá sàn 5.000 đồng/kg trong thời hạn 5 năm. Mỗi năm lại có mức giá sàn riêng để đảm bảo lợi ích cho nông dân. 6.200 đồng/kg là mức giá từng năm được duy trì suốt thời gian qua để nông dân yên tâm chăm sóc vùng nguyên liệu cho hiệu quả.

Nông dân trồng mới ca cao dưới tán điều đang nhận được rất nhiều hỗ trợ từ chính sách của địa phương. Với dự án cánh đồng lớn của Đồng Nai, người dân sẽ được hỗ trợ 50% tiền cây giống, 30% chi phí cho tưới nhỏ giọt, hỗ trợ vật tư nông nghiệp trong 3 năm không quá 6 triệu đồng/ha...

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức có gần 630ha ca cao khắp các tỉnh miền Đông và đang tiếp tục thực hiện việc bao tiêu, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. “Nếu không có chính sách hỗ trợ của tỉnh, một mình doanh nghiệp khó giữ vững được vùng nguyên liệu cùng các hỗ trợ trực tiếp như hiện nay cho nông dân” - ông Khanh chia sẻ.

Tại hội thảo kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ca cao cho nông dân tại xã Suối Cát mới đây, Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cũng cho biết, một số nông dân trên địa bàn xã Suối Cát đang triển khai mô hình trồng cây ca cao dưới tán cây điều, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với trồng điều thông thường.

Trên địa bàn huyện Xuân Lộc, mô hình này được đánh giá có nhiều triển vọng, bởi địa phương có gần 10.000ha chuyên canh điều, nguồn nước tưới đảm bảo, thị trường đầu ra của sản phẩm này khá tốt.

Nguồn:danviet.vn

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger