XỬ LÝ NGHỊCH VỤ CHO CÂY SẦU RIÊNG - 7 VẤN ĐỀ BÀ CON CẦN LƯU Ý

Để sản xuất nghịch vụ sầu riêng thành công, ngoài những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm thực tiễn thì yếu tố thời tiết cũng hết sức quan trọng đòi hỏi người trồng sầu riêng cần lưu ý. Một số điểm sau đây cùng trao đổi, chia sẻ.

Thứ nhất, cần xác định thời điểm thu hoạch để xây dựng quy trình canh tác phù hợp. Thu hoạch tại thời điểm nào để có giá cao là một bài toán mà người nông dân phải tính để tránh hàng hóa tập trung cung vượt cầu, giá bán thấp lợi nhuận thu được không cao. Một khi đã xác lập được thời điểm thu hoạch, tiến hành xây dựng lịch canh tác, trong đó chú trọng các giai đoạn tạo cơi lá để có bước xử lý phù hợp trong tình huống có thời tiết thay đổi làm cho giai đoạn kéo dài. Biết rằng mỗi cơi lá có thời gian trung bình khoảng 45 ngày, xử lý ra hoa 25-30 ngày, giai đoạn hoa 45 ngày, trái từ 90-110 ngày tùy giống. Ví dụ: Muốn thu hoạch vào trung tuần tháng giêng để có giá luôn ở mức cao từ 80 - 100.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong. Vậy để thu hoạch vào thời điểm này thì cần tiến hành xử lý để cây ra hoa vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch nên lịch canh tác với quá trình chăm sóc làm sao cho cơi 3 rơi ngay thời điểm xử lý đầu tháng 7.

 

 

 

 

 

Thứ hai, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật xử lý.

Một chế độ phân bón phù hợp với quá trình xử lý sẽ góp phần thành công, trong đó phân lân đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc tạo mầm hoa, cho nên ngoài việc bón gốc từ giai đoạn cơi 2 đối với super lân và DAP ở cơi 3 còn phải phun trực qua lá các dạng phân có hàm lượng lân cao như MKP, lân 89, 10.60.10… Riêng Paclobutazol là chất ức chế sinh trưởng cũng cần trong giai đoạn này nhưng không được quá lạm dụng, nếu không sẽ làm cho cây suy kiệt khó hồi phục sau thu hoạch. Thời gian xử lý tập trung và dứt điểm trong thời gian không quá 25 ngày kể từ khi bón phân gốc lần cuối, sau đó tập trung phun các chất tạo mầm và thúc đẩy ra hoa.

Thứ ba, dự đoán thời tiết.

Tiết trời đóng vai trò chính trong sản xuất nghịch vụ, cho nên khi công tác dự đoán không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình ra hoa, đậu trái. Thông thường để sầu riêng ra hoa tốt cần phải đáp ứng các yếu tố thời tiết như tiết trời se lạnh vào buổi sáng, gió thông ngọn và nhất là không có mưa đêm ngay thời điểm nhú mắt cua. Do sản xuất nghịch vụ nên tiết trời luôn là yếu tố bất lợi, tuy nhiên trong vụ nghịch vẫn có những thời điểm thuận tiết nhưng thời gian không kéo dài và thường xuất hiện sớm hơn hoặc trễ hơn ở các đầu con nước của ngày rằm hay 30 hàng tháng, cho nên cần thật sự tính toán hợp lý trong quá trình chăm sóc cơi đọt, xử lý và điều khiển ra hoa đúng tiết.

Thứ tư, điều khiển ra hoa.

Một kinh nghiệm mà không ai có thể chia sẻ được đó sự trải nghiệm của chính mãnh vườn của mình, trong vườn không phải cây nào cũng như cây nào, có những cây rất dễ chăm sóc, dễ ra hoa đậu trái và luôn cho trái rất sai, ngược lại cũng có những cây rất “lì lợm” tốn nhiều công sức và cả chi phí đầu tư nhưng kết quả thường thì rất thấp, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của gốc ghép. Với những cây dễ ra hoa nên xem đây là những cây chỉ thị, chúng rất nhạy cảm với thời tiết, nên khi xử lý chúng thường bật mắt cua sớm hơn, từ đó có thể điều khiển các cây còn lại ra hoa theo ý muốn của mình, bằng cách “kít” nước và bón phân.

Thứ năm, ứng phó với cơn mưa đêm.

Mưa đêm là nguyên nhân chính làm cho thui đen mắt cua và khó đậu trái khi hoa nở. Hoa sầu riêng thường đóng ở mặt dưới của cành nên khi mưa thì hay bị tụ nước theo chùm hoa tạo điều kiện cho các bào tử nấm phát triển gây bệnh, cho nên trong quá trình xử lý ra hoa, nếu dự đoán được thời gian tới có tiết thuận để cây ra hoa, đồng thời có khả năng bị mưa, cần làm tốt công tác phòng bệnh trước bằng các thuốc ngừa bệnh như Antracol, Mancozeb…, còn khi hoa nở gặp mưa đêm thì dùng nylon đậy cành hoa kết hợp đậy gốc và bơm cạn nước mương vườn cũng cho kết quả tốt.

Thứ sáu, xử lý đậu trái.

Rụng trái non hàng loạt là nổi lo của người trồng sầu riêng hiện nay, nhất là làm nghịch vụ với nhiều yếu tố bất lợi. Ngoài đặc tính của từng giống, giống nào có nhiều hạt chắt hơn thì ít rụng hơn và ngược lại thì nguyên nhân chính làm rụng trái nhiều là việc ra đọt non ngay giai đoạn nở hoa hay đậu trái non. Khắc phục hiện tượng này bằng cách sau khi cây lên mắt cua tìm cách thúc cây ra luôn đọt, nếu cây không chịu ra đọt thì cũng không cần phải tỉa bớt hoa trong giai đoạn nuôi hoa và đậu trái và sau khi đậu trái mới tiến hành tỉa bớt trái. Trong thời điểm trước và sau nở hoa cũng có thể sử dụng palobutazol với liều lượng 1ml paclo 15% pha với 2 lít nước phun cực nhẹ chùm hoa, chùm trái non cũng giúp đậu trái rất cao.

Thứ bảy, nuôi trái đạt chuẩn.

Đây là khâu quan trọng quyết định đến giá trị sản phẩm và hiệu quả đầu tư, để đạt chuẩn cần chăm sóc làm sao cho trái đạt các tiêu chí mà Viện Cây ăn quả áp dụng để chấm thi trái ngon như sau: (1) trái phải có trọng lượng từ hơn 2,5kg (giống Ri6) và trên 3,5kg (giống Monthong); trái đẹp, cân đối, đồng đều với màu sắc đặc trưng theo giống; (2) tỷ lệ vỏ và hạt nhỏ hơn 70%; (3) cơm không sượng, bao kín hạt và có độ dày cơm trên 13mm (giống Ri6) và trên 18mm (giống Monthong), cơm ráo, mịn, không xơ; màu vàng sáng và có hương vị ngọt, béo, thơm. (4) Đặc biệt phần tể, tâm giữa trái phải trắng, không đốm và ráo nước. Do đó, để có được trái chuẩn, chất lượng như trên cần phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ từ chọn tỉa bỏ bớt trái đến việc quản lý lượng nước cũng như sử dụng hợp lý và cân đối các dạng phân khoáng cũng như hữu cơ. Trong đó, để cho trái tròn đều thì việc sử dụng paclo cũng là giải pháp nhưng trái sẽ nhỏ, mất ký. Với một số điểm cần lưu ý trong sản xuất vụ nghịch sầu riêng trên sẽ phần nào góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn trong sản xuất, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người trồng sầu riêng.

Nguồn: 

 

 

 

 

 

 

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger