TẠI SAO NÊN NUÔI KIẾN VÀNG TRONG VƯỜN CÂY ĂN TRÁI ! LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ !

Kiến vàng từ lâu đã được xếp vào hàng loài thiên địch lợi hại của ruộng đồng, vườn tược. Cứ xét qua tác dụng diệt sâu bọ có hại của kiến vàng cũng đủ nhận ra điều này. Ở Trung Quốc, vườn cam có kiến vàng có số trái rụng do bọ xít xanh rất ít, còn ít hơn khi dùng thuốc hóa học. Ở châu Phi, kiến vàng không cho hai loại bọ xít hại dừa trên các vườn dừa phát triển. Nhiều nước, cây ca cao có kiến vàng sẽ không bị chuột phá. Trên xoài sâu ăn lá đừng hòng còn sống sót khi có kiến vàng cư trú. Đây là những nghiên cứu nghiêm túc cũng như xét qua thực tế tại nông thôn nhiều nước và được các nhà khoa học công nhận.



Kiến vàng có tên khoa học là Oecophylla smaragdina, thuộc bộ cánh màng hymenoptera, họ formicidae, có màu vàng nhạt. Chúng làm tổ trong những lá cây được xếp chụm lại và gắn dính với nhau bởi tơ của ấu trùng kiến nên chúng còn có tên khác là kiến thợ dệt (weaver ant). Chúng phân bổ ở châu Á và châu Úc. Tại VN, do bụng kiến màu vàng nên được gọi là kiến… vàng. Tổ kiến vàng thường bao gồm kiến thợ lớn, kiến thợ nhỏ, kiến đực và kiến chúa. Kiến vàng hiện diện quanh năm trong vườn cây ăn trái với mật độ rất lớn, tuy nhiên số lượng vẫn có sự dao động theo những thời điểm trong năm, tổ kiến vàng xuất hiện nhiều nhất vào đầu mùa mưa.

Vai trò của kiến vàng trong nông nghiệp 

Phát triển và nuôi dưỡng kiến vàng trong vườn cây ăn trái là một giải pháp sinh học thông minh thay thế thuốc trừ sâu và bảo vệ môi trường, tạo dựng thói quen sản xuất lành mạnh, hợp với xu thế nông nghiệp thuận tự nhiên. Nhờ vào đặc tính sẵn có của kiến vàng mà việc diệt trừ sâu hại trên cây ăn trái đã trở nên thật đơn giản.

Kiến vàng là sinh vật “hiếu chiến”


Kiến vàng vốn đã được đánh giá là loài thiên địch lợi hại của ruộng vườn bởi khả năng khống chế, tiêu diệt côn trùng gây hại. Chúng tổ chức tấn công theo bầy đàn. 

Loài kiến vàng có đặc tính khống chế rất hiệu quả và là nỗi ám ảnh của nhiều loài côn trùng thuộc nhóm bọ xít, rầy mềm, rệp sáp, các loại sâu ăn lá, sâu đục thân cành và các loại sâu đục vỏ trái,…

Kiến vàng giải quyết gọn rầy chổng cánh, là loài côn trùng trung gian truyền bệnh greening – bệnh vàng lá gân xanh trên cây ăn quả có múi như cam, bưởi. Bệnh greening làm lá có hiện tượng vàng các mô, gân nổi xanh, trái nhỏ, vẹo, nhiều hạt lép, phát triển không bình thường.

Kiến vàng còn “xơi” cả sâu vẽ bùa. Ong, ruồi ký sinh trên mình sâu vẽ bùa thường sinh sôi nảy nở mạnh mẽ nhưng nếu có kiến vàng, chúng sẽ chẳng mang ý nghĩa gì mà chỉ đơn thuần là bữa ăn cho kiến vàng ngấu nghiến và “nhâm nhi”.

Đặc biệt, một loài dịch hại lông lá đáng sợ khác ở vườn cây ăn trái là nhện, nhất là nhện vàng, nhưng nhện vàng lại rất “kinh hãi” kiến vàng. Nhiều nhà vườn trồng cây có múi khi bắt đầu nuôi kiến vàng trong vườn thì nhận thấy lượng nhện đã giảm đi rõ rệt. Có thể chúng đã di cư hoặc đã bị kiến vàng tàn sát… Tuy nhiên, kiến vàng không ăn được những loại sâu có lông, có gai. 

Kiến vàng hiếu chiến đến mức sẵn sàng giao chiến với con người nếu chúng ta động đến môi trường sống của nó, vết cắn gây ra sát thương nhẹ nhưng tê tái vì bị nhiễm dịch acid gọi là acid formic từ kiến vàng tiết ra. Ai trong chúng ta chắc cũng đã từng trải qua cảm giác kiến vàng cắn hay thậm chí tệ hơn là đạp nhầm ổ kiến…

Cách thức nuôi thả kiến vàng trong vườn cây ăn trái

Kiến vàng thích sinh sống ở những vườn cây ăn trái có múi, cây xoài, mận, ổi, đào,… và nhiều cây thân gỗ khác.

Ở một số vùng cây ăn trái lớn, nông dân đã đem tổ kiến vàng về buộc trên cây trong vườn cam quýt, bắc cầu cho kiến leo từ cây nọ sang cây kia. Bạn nên thu thập các ổ kiến lá còn xanh, có độ to trung bình từ 20cm trở lên, cấu tạo bởi 2 lớp lá, vì thường các tổ này dễ có Kiến chúa hơn.

Kiến hôi là loại kiến đen làm cam quýt sượng và mất nước. Kiến hôi sẽ đánh nhau với kiến vàng nên phải diệt kiến hôi trước khi thả kiến vàng. Kiến vàng thậm chí xung khắc với kiến vàng cũ có trong khu vực, chúng sẵn sàng chiến đấu với chính đồng loại của chúng nếu điều đó là cần thiết. Kiến vàng tàn sát lẫn nhau và khi giao chiến, chúng tiết ra chất acid formic làm cho cành cây bị rám vỏ sau đó khô đi và bị chết, nên phải diệt kiến cũ trước khi thả kiến mới. Nếu không diệt được hết kiến cũ thì phải thả kiến mới từ trên xuống để kiến mới đàn áp kiến cũ xuống dưới gốc cây.

Để có thể giải quyết việc kiến cắn xé lẫn nhau, khi thu thập tổ kiến, nên thu thập các tổ cùng một cây và để vào cùng một túi để các tổ kiến này cùng một nhóm. Kiến chúa, kiến đực và kiến thợ đều có mật số cao nhất từ tháng 7 đến tháng 10, đây cũng là thời điểm thích hợp để thu thập tổ kiến. Thả ít nhất 2 tổ đặt vào các chảng ba, chảng tư của cây.

Vào mùa khô, mùa lạnh kiến thường bỏ đi vì thiếu thức ăn, vì thế phải cho kiến vàng ăn thêm bằng cách treo ruột gà, vịt, đầu cá… lên cây. Nhưng đừng cho ăn thường xuyên, chỉ nên cho ăn vài ba tháng một lần vì khi ăn nhiều chúng sẽ sinh thói làm biếng và không chịu đi săn. Về điểm này, chúng thật giống con người.

Để kiến có thể phát triển và tản đều khắp vườn, cần tạo đường dẫn cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ bằng cách giăng dây hay gác cây từ cây này sang cây kia để chúng men theo đó mà mở rộng phạm vi xâm lấn.

Kiến vàng thích nghi được trên tất cả các loại vườn: độc canh, xen canh và vườn tạp. Tuy nhiên, ở các vườn cây như mận, xoài, cóc hay bình bát, quao, gòn trên bờ mương xung quanh vườn thì mật số kiến vàng nhiều hơn.

Kiến vàng cực kỳ nhạy cảm với thuốc trừ sâu, vì thế nên hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học. Để nuôi dưỡng kiến vàng có hiệu quả cần chú ý mật độ kiến phải đủ, phát tán đều trong vườn và ổn định quanh năm.

Nguồn: 
https://traceverified.com/

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger