Theo thông tin trên báo Nông Nghiệp số ra ngày 21/8/2020, hiện tại trên địa bàn tỉnh Bến Tre ghi nhận sự xuất hiện và gây hại của loại sâu “lạ”. Theo thông tin đánh giá sơ bộ ban đầu thì loài sâu này được xác định có thể là loại sâu “Opisina arenosella Walker”.
“Opisina arenosella Walker” là loài bản địa và có thể được tìm thấy rộng rãi ở vùng Nam Á như: Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan; riêng ở khu vực Đông Nam Á, thì loài sâu hại này cũng đã được tìm thấy ở Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Myanmar (Plant Protection Research and Development Office Department of Agriculture, Thailand, 2017; Cord, 2014). Sự gây hại của loài sâu này được ghi nhận đầu tiên ở Sri Lanka và Ấn Độ vào năm 1920 (Cook và Perera; 1988).
“Opisina arenosella Walker”:
Tên thường gọi: Sâu đầu đen (Black headed caterpillar)
Họ: bướm đêm (Oecophoridae)
Bộ: cánh vảy (Lepidoptera)
Cây ký chủ: dừa, cây dầu cọ, cây chà là, quả cao, dừa kiểng và cả trên cây chuối.
Cách thức gây hại và mức độ thiệt hại:
Trước hết, những con sâu sẽ tàn phá bộ lá của cây thông qua viêc chúng ăn bề mặt và phần mặt dưới của lá. Sau đó chúng sẽ làm các mạng tơ được tạo ra bằng chất thải và mảnh vụn ở mặt dưới của lá ; chúng sẽ ẩn mình trong những đường hầm này để ăn chất diệp lục của lá, dẫn đến kết quả là phần lá bị gây hại sẽ bị khô, tán lá thì có vẻ như cháy xém và sau đó sẽ dẫn đến tình trạng giảm năng suất cây (ảnh 1).
Trong trường hợp sâu bùng phát ở diện rộng và nghiêm trọng, hàng nghìn cây dừa có thể bị ảnh hưởng và bị tàn phá; năng suất có thể bị bị giảm đi một nửa do sự tụt giảm về số lượng cụm hoa, tăng số tình trạng rụng quả non, thân cây bị co thắt lại và chậm phát triển. Khi sự hiện diện của sâu đầu đen quá nhiều, chúng sẽ tấn công cả phần bề mặt xanh của quả (ảnh 2). Nhiều nghiên cứu về sự gây hại của sâu đầu đen trên cây dừa đã chỉ ra rằng, cây non thường chết khi bị sâu tấn công mạnh.
Đặc điểm sinh học:
Con thành trùng (bướm) có độ dài sải cánh 20-30 mm, với những đốm xám nhạt và đen. Thành trùng cái và thành trùng đực được phân biệt bởi đặc điểm sau: thành trùng cái có cặp râu dài và ba chấm trên cánh trước, trong khi đó thì thành trùng đực lại có lông tua ở đỉnh và mép của hậu môn cánh sau (ảnh 3).
Con cái trưởng thành đẻ từ 49-490 trứng trên phần đỉnh của những lá già. Giai đoạn ủ trứng là 4 - 5 ngày. Sau khi trứng nở, ấu trùng thường trải qua 5-6 giai đoạn, thỉnh thoảng một số trường hợp có thể trải qua 8 giai đoạn ấu trùng. Tổng cộng thời gian ấu trùng trải qua là 30 - 48 ngày. Giai đoạn sâu thì cơ thể có màu hồng với cái đầu đen và ngực màu sẫm.Toàn bộ vòng đời của sâu đầu đen được thể hiện qua ảnh 4.
Biện pháp quản lý:
Theo báo cáo của Thái Lan (Plant Protection Research and Development Office Department of Agriculture, Thailand, 2017), có 4 biện pháp quản lý được họ đánh giá là hiệu quả và đang được sử dụng rộng rãi để quản lý sâu đầu đen là:
- Cắt những tàu lá dừa bị gây hại đem ngâm chúng trong nước hoặc đốt ngay lặp tức trong ngày (ảnh 5).
- Phun Bacillus thuringiensis (80-100 ml hòa với 20 lít nước), phun đảm bảo ướt đều lá (3-4 lít/ cây), cần phun định kỳ 7-10 ngày vào buổi trưa.
- Sử dụng thiên địch: loài thiên địch được sử dụng chủ yếu ở Thái Lan là Goniozus nephantidis (Muesebeck). Theo nghiên cứu ở Ấn Độ, trong tự nhiên có 16 loài được xem là thiên địch của Opisina arenosella Walker. Trong đó, Goniozus nephantidis (Muesebeck) được đánh giá là quản lý có hiệu quả Opisina arenosella Walker ở giai đoạn sâu (Cord, 2014), chính vì vậy loài thiên địch này cũng đã được sử dụng phổ biến ở Ấn Độ, cũng như ở Sri Lanka.
- Sử dụng thuốc hóa học: theo đánh giá và khuyến cáo của Plant Protection Research and Development Office Department of Agriculture thì emamectin benzoate 1.92 % EC (30ml/cây) được xem là hóa chất quản lý có hiệu quả đối tượng này. Tuy nhiên việc sử dụng hóa chất này được khuyến cáo là không sử dụng cho cây có chiều cao dưới 12m, và cũng như không sử dụng trên cây mang trái giai đoạn gần thu hoạch bởi vì sự lưu tồn của hóa chất.
Trên đây là những thông tin cơ bản về loài sâu đầu đen gây hại trên cây dừa, được Chi Cục Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật Vĩnh Long tổng hợp. Nhằm mục tiêu giúp bà con nông dân trong tỉnh có cái nhìn khái quát về đối tượng gây hại mới này trên cây dừa. Từ đó có thể nhận biết được sớm khả năng gây hại và có cách quản lý chúng được tốt hơn./.
Tài liệu tham khảo:
Gurav. S.S., Radadia, G.G and Shinde, C.U (2018) Status of coconut black headed caterpillar, Opisina arenosella (Walker) and it’s associated larval parasitoid, Goniozus nephantidis (Muesebeck) under south Gujarat conditions. International Journal of Chemical Studies, 6(2), 2713-2718.
Nirula, K.K (1956) Investigation on the pests of coconut palm, Part-IV. Rhynchophorus ferrugineus. Indian Coconut Journal, 9(4), 229-237.
Plant Protection Research and Development Office Department of Agriculture, Thailand, (2017). Regional Training Workshop on Mass Production of Beneficial Insects and Nematodes.
Winotai, A (2014) Integrated pest management of important insect pests of coconut1. Cord, 30(1), 19-19.
Nguồn: www.cctt/bvtv.vinhlong.gov.vn.