RỆP SÁP HẠI RỄ CÂY TRỒNG ?
Rệp sáp là lọai đa ký chủ gây hại trên nhiều lọai cây trồng và trên nhiều bộ phận của cây như lá, thân, trái nhưng nguy hiểm nhất là rệp sáp gây hại trên rễ cây, có thể làm chết cây.
Trong mùa khô rệp sáp chuyển xuống đất quanh gốc cây để sinh sống, hút nhựa, phá hại gốc và rễ, mật độ rệp cao có thể làm cây bị héo vàng và chết. Đa số bà con không phát hiện được sớm khi rễ cây mới bắt đầu bị rệp sáp tấn công, do đó đưa đến tình trạng cây suy kiệt, khó phục hồi.
Kiểm tra rễ sầu riêng bị thối do rệp sáp gây hại
Triệu chứng đầu tiên là lá cây bị vàng, cây còi cọc, kém phát triển (mặc dù đã bón phân đầy đủ) thì có thể cây đã bị rệp sáp tấn công rễ, nhưng muốn biết chính xác thì phải đào đất để xem phần rễ bên dưới, vì triệu chứng lá vàng cũng có thể do rễ bị nấm Fusarium sp hoặc bị tuyến trùng gây hại.
Khi rễ bị rệp sáp gây hại thì dễ dàng phát hiện vì chúng đeo bám vùng chóp rễ. Nếu thấy chóp rễ bị thối nhũn là do nấm bệnh tấn công. Trường hợp do tuyến trùng gây hại thì trên bề mặt rễ sẽ có những u bướu nhỏ như hạt cát bám chung quanh. Thường rệp sáp lây lan qua cây giống, chúng nằm trong những bầu cây con, nông dân mua về nhưng không để ý và đem trồng, sau đó chúng sẽ nhân mật số rất nhanh. Thông thường những vườn bưởi có xuất hiện những tai nấm to, màu vàng nâu (nấm rễ) gần gốc bưởi là có thể có rệp sáp gây hại vùng rễ.
Vòng đời của rệp chỉ khoảng 18-22 ngày, hệ số nhân cao, chỉ qua 2-3 thế hệ rệp đã đạt tới mật độ cao, gây hại nghiêm trọng đối với cây trồng.
Rệp sinh sống trên cỏ dại, sau lây lan sang cây trồng, quá trình phát tán của rệp chủ yếu nhờ kiến. Ngoài ra nước mưa, nước tưới cũng góp phần phát tán rệp tới mọi nơi.
Muốn phòng trừ rệp nói chung và rệp hại gốc rễ nói riêng cần áp dụng những biện pháp sau đây:
+ Cần chăm sóc vườn cây thường xuyên, cắt bỏ những cành mọc sát mặt đất để tránh rệp sáp từ đất lây lan.
+ Thường xuyên theo dõi vườn cây bị bệnh rệp sáp để có những biện pháp phòng trừ thích hợp nhất.
+ Nếu thấy cây sinh trưởng kém, còi cọc, vàng héo, đầu lá quăn lại, trái nhỏ lá bị úa đi mà trên cây lại có nhiều kiến lửa, kiến cao cẳng thì cần mòi đất kiểm tra bộ rễ để phát hiện rệp và có biện pháp diệt trừ rệp kịp thời
+ Khi thấy có rệp sáp phải tiến hành xử lý, xử lý sớm khi rệp mới xâm nhập gây hại, nếu để tạo thành mang song sẽ rất khó phòng trừ. Đối với những cây bị hại quá nặng có thể nhổ bỏ và mang tiêu hủy tránh lây lan sang những cây khác trong vườn
+ Khi phát hiện kiến ở những vùng có tiêu bị rệp sáp cần dùng Regent 5SC để phòng trừ.
+ Khơi rãnh thoát nước theo đường đồng mức, không để nước chảy từ gốc nọ sang gốc kia, hạn chế rệp lan truyền theo nguồn nước.
+ Trừ rệp cho các bộ phận trên mặt đất của cây bằng cách pha dầu khoáng SK 99EC với một trong các loại thuốc Dragon 585EC, Sago Super 20EC, Pyrinex 20EC, Butyl 400SC... tỷ lệ 2 dầu + 1 thuốc, pha hỗn hợp này theo nồng độ khuyến cáo. Dầu SK99EC có tác dụng làm tan lớp sáp bao bọc thân sâu, dẫn thuốc ngấm vào nội tạng gây chết nhanh và triệt để.
+ Trừ rệp hại các bộ phận gốc rễ cây dưới mặt đất. Dùng một trong các loại thuốc có tác dụng xông hơi mạnh như Sago Super, Pyrinex, Movento sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Duy trì sức sống cho cây bằng cách phun các loại phân bón qua lá 15-20 ngày phun một lần, giúp cho cây giữ được bộ lá xanh và phục hồi dần bộ rễ.
+ Thường xuyên kiểm tra vườn và tiến hành những biện pháp phòng rệp, nếu để rệp đã gây hại ở gốc rễ rất khó trừ và tốn kém.
+ Với những cây bị chết do rệp sáp gây hại, trước khi trồng lại cây khác, bà con cần rải hoặc tưới thuốc trừ rệp vào gốc để diệt rệp.
Nguồn: admin tổng hợp