Hầu hết bà con trồng cây có múi đều biết bệnh vàng lá gân xanh, vì bệnh này đã tàn phá gây thất thu nghiệm trọng nhiều vườn cây có múi trong những năm qua.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh do vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus gây ra
Dưới kính hiển vi điện tử quan sát được vi khuẩn có lông cứng, kích thước 350 - 550 nm x 600 - 1500 nm, vách tế bào có 2 lớp, độ dầy từ 20 - 25 nm. Hình dạng của vi khuẩn thường có hình gậy, thon dài.
Bệnh lan truyền qua hai con đường:
- Vi khuẩn gây bệnh nằm trong mô libe của cây mẹ đã mang mầm bệnh nên khi nhân giống bằng các phương pháp chiết, ghép vô tính, gốc ghép, mắt ghép thì cây con sẽ bị bệnh. Mầm bệnh nằm trong mắt ghép hay cành chiết sẽ thể hiện triệu chứng sau 8-15 tháng sau khi trồng.
- Môi giới truyền bệnh là rầy chổng cánh: Chúng chích hút trên cây bị bệnh, vi khuẩn sẽ được giữ lại trong tuyến nước bọt, khi rầy chích hút cây khỏe sẽ truyền vi khuẩn vào cây.
Triệu chứng bệnh
Trên lá:
Phiến lá bị biến màu vàng, chỉ còn gân lá và các mô xung quanh gân lá còn xanh và được gọi là triệu chứng vàng lá gân xanh.
Cây bị bệnh thường lùn nhỏ, tán lá không đều, kích thước lá nhỏ, chóp lá nhọn, mọc dựng đứng và xúm xít trên đọt. Lá bị biến vàng loang lổ hoặc phiến lá vàng, gân lá xanh, lá mới ra bị vàng, nhỏ và uốn cong. Lá già có màu xám nhạt, cong vẹo, gân lá bị sưng.
Bệnh xuất hiện ban đầu trên các lá sau đó lan ra cành, cuối cùng toàn cây bị vàng lá:
Trên cành: Cành bị khô cục bộ sau đó lan rộng ra các cành khác, lá bệnh trên cành bị rụng sớm, cành bệnh trở nên trơ trụi, dần dần khô chết, cuối cùng là khô toàn cây và chết cây:
Trên hoa, trái: Cây bệnh sẽ ra hoa trái vụ, trái nhỏ, tâm trái bị vẹo, méo mó, nhiều hạt bị lép, trái chín ngược (chín từ phía trên cuống trái chín xuống), ít nước và bị xơ, chua:
Triệu chứng bệnh trên rễ: cây bị bệnh sẽ dẫn đến quá trình vận chuyển sản phẩm quang hợp (tinh bột) từ lá xuống hệ thống rễ bị ngăn cản làm rễ bị hoại tử một phần sau đó lan ra toàn bộ hệ thống rễ, cuối cùng rễ bị chết:
Biện pháp quản lý bệnh:
1. Sử dụng cây giống sạch bệnh, nguồn gốc rõ ràng:
- Vi khuẩn gây bệnh VLGX sống trong mạch dẫn nhựa của cây, nên việc nhân giống bằng cách tháp, chiết, giâm cành (nhân giống vô tính) từ vật liệu lấy ở cây bệnh sẽ cho ra nhiều cây con có bệnh. Phần lớn nông dân trồng CCM mua cây giống từ những ghe bán cây giống. Mua giống trôi nỗi, không biết nguồn gốc rất bấp bênh về năng suất và phẩm chất trái sau nầy; đặc biệt là không biết rõ được cây con có mang mầm bệnh VLGX hay không. Đây là con đường phát tán nhanh chóng và rộng khắp bệnh VLGX trong thời gian qua. Do đó, nông dân trồng mới hoặc trồng dặm CCM phải trồng cây sạch bệnh VLGX do tự mình sản xuất, hoặc mua ở những cơ sở có điều kiện sản xuất cây giống sạch bệnh.
- Hiện nay, việc tạo cây sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng đang được phát triển, kiểm tra bệnh ở cây vi ghép, khảo sát đặc tính của cây mẹ vi ghép và phân phối mắt ghép sạch bệnh cho vườn ươm.
2. Biện pháp canh tác: Đốn tỉa, tạo tán để loại trừ ưu thế ngọn cho các đọt bên phát triển đảm bảo sinh trưởng cân đối, hạn chế sâu bệnh hại cũng góp phần làm giảm bệnh VLGX.
3. Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân có chứa kali, silic, canxi giúp cây tăng sức đề kháng và chống chịu sâu bệnh:
- Cây có múi bị thiệt hại do bệnh VLGX trở nên trầm trọng hơn khi cây bị suy yếu, chẳng hạn như cây mang quá nhiều trái, xiết nước cho ra trái quá độ, cây thiếu chăm sóc, hoặc bị ngập do lũ lụt... Do đó phải làm cho cây sung mãn để giảm thiệt hại đồng thời hạn chế phát tán bệnh trong bản thân cây bệnh.
Một vài biện pháp kỹ thuật canh tác sau đây cần lưu ý như:
(1) Xiết nước ra bông hạn chế: là không để cho cây bị thiếu nước trầm trọng, gây xào rụng lá. Không để mực nước trong mương xuống quá thấp trong lúc xiết nước gây chết rễ lúc tưới trở lại, giữ nước ổn định khoảng 60-80 cm cách mặt líp. Như vậy CCM không ra quá nhiều bông, trái vượt quá sức nuôi dưỡng của cây;
(2) Phun phân kẽm: Bệnh thiếu kẽm là một bệnh rất phổ biến ở những vùng trồng CCM, nhất là khi cây bị bệnh VLGX. Cần thiết phải phun kẽm ở dạng Humic acids-Zn ở nồng độ 500 - 1.000 ppm lên lá non CCM khi lá có chiều dài 1-2 cm;
(3) Làm cho đất thoáng khí: Vườn phải có đê bao, cống bọng tốt và máy bơm nước để giữ nước; Bón phân hữu cơ để làm đất tơi xốp, có thể bón đến 7-8 tấn phân hữu cơ/ha/năm; Để cỏ trên mặt líp và định kỳ cắt cỏ rồi để lại tại chỗ; Chỉ vét bùn mương trong mùa nắng đấp thành lớp mỏng trên líp cho mau khô;
(4) Bón phân cân đối: Sau khi thu hoạch, bón cân đối N, P, K, Ca... nhất là nhiều N. Khi cây chuẩn bị cho ra bông thì cần bón nhiều P để cây thụ phấn tốt sau nầy. Khi cây đã đậu trái và trong thời gian trái phát triển thì chất K và Ca được bón nhiều để tăng phẩm chất.
4. Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện cây bệnh nặng cần tiêu hủy ra khỏi vườn để tránh sự lây lan.
5. Thời gian gần đây có một số nông dân sử dụng thuốc kháng sinh để tiêm trên cây có múi để trị bệnh VLGX, tuy nhiên việc làm này chưa có nghiên cứu công bố hiệu quả. Nên bà con nông dân không nên áp dụng biện pháp này vì không mang lại hiệu quả, ngoài ra dư lượng kháng sinh tồn đọng trong trái có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
6. Rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh VLGX nên chú ý phòng trừ đối tượng này như sau:
Bệnh VLGX không những lây truyền qua con đường nhân giống mà còn lây truyền qua côn trùng môi giới là rầy chổng cánh (Diaphorina citri). Thành trùng có màu xám đen, chiều dài từ đầu đến cuối cánh 2,5 - 3,0 mm, khi đậu thân nghiêng thành một gốc 30 độ so với mặt lá, nên được gọi là rầy chổng cánh. Vòng đời rầy chổng cánh thường 8 tuần, cả hai thành trùng và ấu trùng đều có khả năng truyền bệnh. Do đó, trong canh tác CCM phải loại trừ dần rầy chổng cánh.
- Trồng cây chắn gió đễ hạn chế rầy chổng cánh xâm nhập vào vườn như: tràm, xoài,..
- Không trồng các cây là kí chủ của rầy chổng cánh như kim quýt, cần thăng, nguyệt quế gần vườn cam quýt.
- Việc trồng ổi xen với cây có múi có tác dụng xua đuổi rầy chổng cánh, đồng thời tăng thêm thu nhập.
- Trứng rầy chổng cánh được đẻ trên những chồi non, và ấu trùng phát triển trên những lá non, nên mật số rầy chổng cánh có liên quan chặt chẻ với nhịp độ ra chồi non. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, mật số rầy tăng cao ở tháng 5 và 6 và duy trì đến cuối mùa mưa, vì trong thời gian nầy CCM ra chồi thường xuyên. Trong canh tác cần áp dụng biện pháp bón phân và tưới nước, nhất là phân đạm, để điều khiển cho vườn CCM ra chồi non đồng loạt. Khi vườn CCM bắt đầu ra chồi non, cần đặt bẩy để theo dõi sự xuất hiện của rầy chổng cánh. Bẩy là một miếng plastic phẳng màu nâu-vàng, dài 25 cm và rộng 15 cm, được bọc bởi nylon có phủ bên ngoài một lớp keo. Đặt khoảng 5 cái bẩy rải rác trong vườn ở độ cao khoảng ngang đầu. Hàng ngày quan sát bẩy cũng như quan sát các đọt non CCM sự xuất hiện của rầy. Khi có rầy tiến hành phun ngay theo phương pháp 4 đúng, một trong những loại thuốc như Admire 50EC, Baythroid 50SL, Bassa 50EC, Trebon 10EC pha ở nồng độ 1 phần ngàn, hay Regent 800WG pha ở nồng độ 0,03 phần ngàn.
- Bọ rùa, nhện, ong và kiến vàng là những thiên địch của rầy chổng cánh cần được nuôi dưỡng để diệt rầy chổng cánh. Khi CCM không còn chồi non, thành trùng rầy chổng cánh ít hoặc không đẻ trứng trên CCM mà tập trung đẻ trứng trên những cây ký chủ phụ như cằng thăng, nguyệt quới, kim quýt, dây tơ hồng để tiếp tục sinh sống, đây là nơi sinh sống bảo tồn rầy trong mùa khô. Phải loại bỏ các cây ký chủ phụ trong vườn, hoặc theo dõi tiêu diệt rầy trên những loại cây nầy cũng giống như trên CCM.
Nguồn tham khảo: http://snnptnt.kiengiang.gov.vn/ và từ bài viết của Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng - Trường Đại Học Cần Thơ