KỸ THUẬT CẮT TỈA CÀNH TẠO TÁN CHO BƠ BOOTH ĐẠT NĂNG SUẤT CAO VÀ MỘT SỐ LƯU Ý

Cây bơ booth sinh trưởng rất mạnh, lá to, cành nhánh nhiều nên thường bị che rợp lẫn nhau. Tỉa cành, tạo tán là công việc rất cần thiết nhằm nâng cao năng suất, hạn chế gãy cành và đổ ngã, hạn chế sâu bệnh hại.

Nếu để cây bơ phát triển tự nhiên thì cành lá sẽ rất nhiều, chỉ có những cành lá phía ngoài nhận đầy đủ ánh nắng mặt trời phát triển bình thường, còn các cành lá khác bị che rợp ốm yếu và chết. Dần dần qua các năm cây bơ sẽ phát triển bộ tán rộng, cành lá và quả chỉ tập trung bên ngoài tán; bên trong chỉ có cành lớn (hiện tượng tán dù), đây là sự lãng phí không gian khá lớn. Sau khi cây bơ giáp tán thì theo thời gian số cành lá hữu hiệu (cho quả) giảm dần, năng suất giảm. Mặt khác nếu để cây bơ rậm rạp thì việc phân hóa mầm hoa; ra hoa và đậu quả rất kém, tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển (nhất là bọ xít muỗi).

– Tiến hành tỉa cành tạo tán: Nên bắt đầu thực hiện công việc này từ năm thứ 2 trở đi và tiến hành thường xuyên. Đầu tiên là bấm bỏ những cành sát mặt đất, tỉa thưa bớt các vị trí có mật độ cành nhiều. Chỉ nên chọn 4-6 cành chính (cành cấp 1) làm bộ khung sau này.

– Hàng năm nên bấm tỉa 1 lần chính là sau khi thu hoạch, ngoài ra sau các đợt ra cành lá non cũng cần bấm tỉa kỹ nếu không các cành bên trong sẽ chết hết. Công việc tỉa cành phải thực hiện quanh năm, cứ khi nào nhìn lên cây bơ thấy có sự che rợp cành lá là tiến hành bấm tỉa (vì có thể ta đã làm rồi nhưng vẫn chưa kỹ, qua một thời gian thấy chưa ưng ý thì tỉa tiếp).

– Tỉa bỏ các cành mới phát sinh bên trong thân, chồi vượt, cành ốm yếu, cành bị che rợp, cành mọc ngược, cành đan xen nhau, cành sâu bệnh, cành già cỗi… Không để cành nhánh là sà sát đất tạo điều kiện cho nấm bệnh từ đất phát triển dần lên cây, khi cây trưởng thành từ mặt đất lên 0,7 m nên bấm sạch cành.




 

– Công việc tỉa cành làm càng kỹ hiệu quả càng cao, nếu ánh nắng mặt trời lọt được kha khá xuống quanh gốc bơ là đạt yêu cầu.

Không để cây bơ phát triển quá cao vì công việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Bình thường nên bấm ngọn ở độ cao 4-4,5 m, nếu có áp dụng bao quả thì chỉ nên để chiều cao 3-4 m, sau khi bấm ngọn lặt bỏ thường xuyên các chồi mọc phía dưới. Việc cố định chiều cao tùy thuộc mật độ trồng, đất đai, cách chăm sóc, khí hậu từng vùng. Nói chung điều này tùy cách làm mỗi người, nếu bấm ngọn thấp quá thì không đạt năng suất còn cao quá thì khó chăm sóc.

– Cây bơ booth có sức sống mạnh làm tán nở rộng rất nhanh, mau giáp tán và gây nên hiện tượng tán dù. Bơ booth không cần phát triển cành lá quá nhiều, thực tế cho thấy những cây bơ được cắt chồi thường xuyên (để bán hoặc làm giống) thì dễ ra hoa-đậu quả, tán không nở nhanh (dĩ nhiên không nên cắt chồi nhiều quá làm cây mất sức, chậm lớn). Khi cây bơ đã có bộ tán khá (bán kính tán 2,5-3 m) nếu có điều kiện thỉnh thoảng nên bấm bỏ bớt các ngọn cành để kiềm hãm tốc độ nở tán (vì sự thông thoáng là điều rất quan trọng cho vườn bơ, khi vườn bơ giáp tán rất khó kiểm soát bọ xít muỗi và bệnh nấm quả). Vào lúc vườn bơ giáp tán, để hạn chế sâu bệnh; tránh đan xen cành lá và tận dụng tốt không gian, cần có biện pháp thu tán dần bằng cách cưa cành xen kẽ. Ví dụ: trên cây bơ có 3 cành lớn gần nhau thì cưa cành ở giữa, 2 cành 2 bên sẽ có khoảng không gian để phát triển cho nhiều quả, tại vị trí cưa cành non mọc ra; khi cành mới đủ lớn lấn át xung quanh và cho quả thì cưa tiếp một trong 2 bên để tạo cành mới, cứ như thế lần lượt trẻ hóa các cành bơ; thu tán dần, quả sẽ ra gần thân chính hơn, hạn chế tán dù (khi cưa cành sẽ mất một phần năng suất nhưng đây là điều cần thiết).

Một số vấn đề khác trong quá trình trồng bơ

 

– Tưới nước trong mùa khô: Tưới nước để kích thích bơ trổ hoa sớm, trổ tập trung, không bị nghẹn nụ hoa, đậu quả tốt hơn, hạn chế rụng quả non khi bước vào mùa mưa. Cần nắm được một nguyên tắc là giai đoạn gần trổ hoa cho đến mới đậu quả, cây bơ dễ bị sốc khi gặp các điều kiện như: đất khô ướt đột ngột, ẩm độ đất quá cao, kể cả thuốc BVTV, phân bón, thời tiết … do vậy phải tưới đúng thời điểm (thường là trước trổ 1 tháng), tưới nhẹ nhưng siêng tưới (5-10 ngày/lần tùy loại đất), tưới cho đến khi có mưa. Thời gian đầu nụ còn nhỏ và thời kì sau khi đậu quả có thể tưới nhiều hơn để giãn chu kì tưới vì 2 thời điểm này cây ít bị sốc.

– Bọ xít muỗi (BXM): đây là đối tượng gây hại rất quan trọng.




 

Từ thực tế cho thấy BXM phát triển cứ năm sau nhiều hơn năm trước, lượng thuốc phun ngày một nhiều, nhiều khu vực định kỳ một tuần phun 1 lần nhưng trái vẫn bị chích rất nhiều. Cứ theo đà này thì vài năm nữa không biết có còn khống chế được nó hay không. Do vậy chúng tôi khuyến cáo, bà con nên phòng trị đối tượng này bằng nhiều biện pháp tổng hợp, đừng trông chờ quá nhiều vào thuốc hóa học.

Các biện pháp tổng hợp đó là:


- Không trồng bơ quá dày, không trồng xen nhiều cây cao lớn khác làm cho vườn rậm rạp um tùm, làm sạch cỏ dại (BXM phát triển nhiều ở nơi rậm rạp).

 
- Bấm tỉa cành tạo tán hợp lý để cho vườn bơ thông thoáng, không nên để cho cành giữa các cây đan xen giao tán nhau.
 
- Un khói vào sáng sớm hoặc chiều mát để xua đuổi.
 
- Áp dụng biện pháp bao quả (Tôi nghĩ trong tương lai bao trái là biện pháp khả thi nhất để khống chế BXM.)
 
- Phun thuốc hóa học: vào thời kì cây ra lá non hoặc mang quả nếu thấy BXM xuất hiện thì phun thuốc nhúng mùng (có hoạt chất Permethrin). Phun đều cả vườn để xua đuổi chúng đi nơi khác. Cần nhận biết được hình dạng của BXM và thời điểm chúng hoạt động (giống con muỗi lớn có râu dài, tập trung ở ngọn non; bu lên quả vào sáng sớm và chiều mát) để phun thuốc đúng lúc.
 
- Phải siêng thăm vườn, chỉ phun thuốc khi thấy BXM xuất hiện, không lạm dụng thuốc (không phun phòng, không phun định kì, không phun thuốc phổ rộng, không phun vào lúc không cần thiết-lúc bơ không có lá non, không có quả) để bảo vệ các sinh vật có ích trong vườn (kẻ thù của BXM) và người tiêu dùng không quay lưng với trái bơ.

Nguồn: 
http://www.baovethucvat.vn/

 

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger