Hoa hồng – loại hoa đang được rất nhiều người trồng ưa chuộng bởi nét hoa thanh tao, màu sắc đa dạng và hương thơm tinh tế. Tuy nhiên, không phải ai bắt đầu trồng hồng cũng suôn sẻ. Tại sao “nhà người ta trồng thì hoa lúc lỉu trên cành”, tới mình trồng thì hoa nở ít và không đồng loạt? Bí quyết đều nằm ở cách cắt tỉa hoa hồng đấy ạ. Hãy tham khảo ngay những chia sẻ bên dưới để hoa nhà mình cũng chẳng kém cạnh hoa nhà ai, bạn nhé!
- Ưu điểm của việc tỉa cành đối với hoa hồng
- Kích thích mầm mới tăng trưởng và nở hoa mới.
- Loại bỏ cành lá già yếu, chết. Từ đó, sẽ làm giảm sâu bệnh cho cây.
- Cải thiện lưu thông không khí, giúp cây thông thoáng.
- Những cành này sẽ không cho ra nhiều mầm non và cũng không cho hoa đẹp, cắt bỏ sẽ giúp tập trung dinh dưỡng cho các cành tươi tốt, khỏe mạnh khác.
- Định hình tán cây sao cho đẹp và cân đối.
- Thời điểm cắt tỉa
Thời điểm cắt tỉa phù hợp luôn là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Bởi không phải lúc nào cắt tỉa cũng tốt cho cây, nếu không chọn được thời điểm phù hợp rất dễ tạo thành tổn thương hoặc tạo cơ hội cho các loại sâu bệnh tấn công.
Nhìn chung, thời điểm cắt tỉa chia làm ba loại chính: cắt tỉa thường xuyên, cắt tỉa sau khi hoa tàn và cắt tỉa đồng loạt:
- Cắt tỉa thường xuyên: nhằm giữ dáng cho cây, cắt tỉa những cành tăm (những cành vô hiệu, nhỏ, yếu) để tạo độ thoáng cho cây.
- Cắt tỉa sau khi hoa tàn: ngăn cây tạo quả, bởi khi cây tạo quả các chất dinh dưỡng của cây sẽ dồn vào việc nuôi quả mà không tạo hoa mới và những bông hoa tàn này sẽ làm cho cây hoa hồng trở nên tàn tạ, xấu xí. Đồng thời, đây là cách đẩy mầm mà không làm mất dinh dưỡng của cây.
- Cắt tỉa đồng loạt:giúp cây tái tạo lại và ra hoa một cách đồng loạt.
Các loại cắt tỉa trên thường được đan xen và kết hợp tùy vào tình trạng của cây. Ngoài ra, cần lưu ý tránh cắt tỉa khi gặp mưa nhiều hoặc vừa sau cơn mưa, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nấm bệnh dễ xâm nhập và cây yếu, mất sức khi bị mưa dầm.
- Dụng cụ cắt tỉa
Có rất nhiều loại dụng cụ có thể cắt tỉa cho cây, từ các loại kéo cắt cây chuyên dụng cho tới những loại kéo thông thường. Dụng cụ phải có độ sắc cao với mục đích tạo vết cắt đẹp và đường cắt ngọt giúp cây mau liền sẹo.
Dụng cụ trước khi tiến hành cắt nên được làm sạch và sau khi cắt các cây đang bị bệnh nên vệ sinh lại dụng cụ để tránh lây lan mầm bệnh từ cây này sang cây khác.
- Kỹ thuật cắt tỉa cơ bản
- Nhìn vào tán tổng thể và tình hình sức khỏe của cây, sau đó bắt đầu cắt tỉa từ phần gốc cây.
- Tỉa mở ở giữa tán cây để tăng ánh sáng và thông thoáng cho cây
- Làm cho vết cắt của bạn ở một góc 45 độ.
- Cắt sạch sẽ, gọn gàng và phải cắt sát vào nách lá.
- Loại bỏ tất cả những cành bị hỏng, khô, nhăn nheo, đen hoặc bị bệnh.
- Tỉa bỏ các cành tăm ốm yếu và các cành điếc không phát triển.
- Để ý và loại bỏ thường xuyên sự phát triển của mầm dại nếu là cây ghép.
- Tỉa bỏ các lá già, vàng, bị sâu bệnh hại.
- Tỉa hoa tàn: thông thường tỉa đến lá thứ 3 tính từ bông hoa, riêng với dòng cắt cành cần tỉa sâu hơn để hạ độ cao. Đối với các loại hoa hồng leo, nếu muốn tạo tán cho cây, sau khi cắt bỏ hoa héo nên uốn cong phần thân cây sẽ giúp bật chồi nhanh và nhiều hơn.
Thông thường, sau khi cắt tỉa khoảng 40 – 50 ngày cây hoa hồng sẽ cho ra một lứa hoa mới. Cây hồng bạn càng siêng cắt tỉa thì sẽ càng siêng tạo hoa. Bởi việc tạo mầm mới cũng sẽ đồng nghĩa với việc tạo mầm hoa mới. Chính vì vậy, mọi người có thể dùng mốc thời gian 40 – 50 ngày (một cách tương đối) để căn thời gian cắt tỉa khi muốn cây ra hoa đồng loạt và theo ý muốn.
- Chăm sóc hoa hồng sau khi cắt tỉa
Sau khi cắt tỉa, nên bổ sung các chất dinh dưỡng để giúp cây phục hồi. Cụ thể như: phun các thuốc phòng, chống nấm bệnh, phun dinh dưỡng để kích thích chồi. Bên cạnh đó, cũng nên thực hiện công đoạn xới đất bề mặt chậu và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho cây như phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để tăng đề kháng cho cây trồng.
Nguồn: Khuyennonghanoi.gov.vn