HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT THỤ PHẤN CHO DƯA LƯỚI TRONG NHÀ MÀNG BẰNG ONG MẬT

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT THỤ PHẤN DƯA LƯỚI TRONG NHÀ MÀNG BẰNG ONG MẬT

1. Giới thiệu về ong mật

Ong mật hay chi ong được gọi là côn trùng xã hội (cùng với kiến, mối) và có khả năng sản xuất mật ong. Ngoại trừ vùng Nam Cực ra thì ong mật có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Ong mật không chủ đích thụ phấn cho dưa lưới, tuy nhiên trong quá trình đi kiếm ăn (lấy phấn hoa và lấy mật) thì ong lại giúp cho cây trồng thụ phấn và tăng khả năng đậu quả cho cây. Lợi dụng đặc tính này của ong mật con người đã đưa ong vào trong nhà màng để giúp thụ phấn cho dưa. Từ đó giảm được chi phí đầu vào trong canh tác dưa lưới và làm tăng hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.

​​2. Kỹ thuật thụ phấn bằng ong mật

2.1. Chuẩn bị vườn cây
- Cần đảm bảo vườn dưa lưới sạch sâu bệnh (đặc biệt là bọ trĩ và bọ phấn) vì trong thời gian thụ phấn bằng ong mật việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ các đối tượng này rất khó, do ong mật rất mẫn cảm với các loại thuốc BVTV và thường bị chết rất nhiều khi sử dụng thuốc để phun.
- Phải kết thúc việc phun thuốc BVTV hóa học cho vườn dưa tối thiểu từ 3-5 ngày trước khi đưa ong mật vào vườn.

2.2. Lựa chọn loại ong đưa vào thụ phấn:

  • Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại ong mật (có ong nội, ong ruồi và ong nhập ngoại). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bản thân thì nên ưu tiên sử dụng ong nhập ngoại của Italia (loại này có mầu nâu đen, to, khỏe và chịu nóng tốt hơn ong nội) từ đó sẽ thụ phấn tốt hơn.

2.3. Thời gian đưa ong mật vào trong vườn dưa để thụ phấn

  • Để chuẩn bị cho thụ phấn bằng ong mật, các nhà vườn cần quan sát và dự đoán ngày hoa cái nở để quyết định thời gian đưa ong vào trong nhà. Thông thường nên đưa ong vào trong nhà trước khi hoa cái nở 2-3 ngày để ong quen với môi trường mới. Lưu ý, nếu đưa vào quá sớm ong sẽ bị chết nhiều, còn đưa vào quá muộn thì hiệu quả thụ phấn không cao, sẽ bị mất 1-2 lứa hoa cái đầu.

  • Đưa ong vào buổi tối hôm trước, sáng hôm sau mở cửa thùng cho bay ong ra.

  • Khi muốn di chuyển thùng ong vào buổi tối mà ong đậu ở bên ngoài cửa thùng nhiều (mặc dù trời đã tối) các bạn có thể dùng một điếu thuốc lá châm lửa hút và nhả khói vào cửa thùng (ong rất sợ khói) nên khi đó ong sẽ chui vào thùng và chúng ta có thể đóng cửa lại đưa đi.

  • Khi mua ong ở nơi khác về thả vào nhà màng thì cần lưu ý sau khi đặt thùng ong vào trong nhà màng xong không mở cửa thùng ngay mà cần để thùng nằm im khoảng 1-2 tiếng để cho ong ổn định rồi sau đó mới mở cửa cho ong ra. Nếu mở cửa ngay thì ong rất hung và có thể bay ra đốt người.

2.4. Chăm sóc ong trong nhà màng

  • Khi đưa ong vào nhà màng, cần hé nắp thùng và che mát cho ong (có thể dùng lưới cắt nắng, lá dừa hoặc bìa thùng Carton để che mát).

  • Cho ong uống nước, nước uống phải được thay hàng ngày để tránh bị mọc rêu ảnh hưởng đến sức khỏe đàn ong. Nước cần được cho ra khay hoặc đĩa nông và rộng (không cho vào bát nhỏ và sâu) bên trong khay, đĩa có để một vài viên sỏi (có một phần nổi trên mặt nước) miếng xốp hoặc cành cây để ong có chỗ đứng khi uống nước tránh tình trạng ong bị chết đuối.

  • Nếu thời tiết quá nắng nóng thì bên trong thùng cho thêm một khay nước để ong quạt làm mát tổ.

  • Hàng ngày cho ong ăn thêm nước chanh đường (sử dụng 1kg đường trắng + 4 quả chanh và pha cho 2 lít nước). Thời gian cho ăn thường là vào buổi chiều khoảng 4-5h chiều. Sau khi ong ăn xong cần thu dọn nước đường còn thừa tránh để kiến tới ăn và phá hoại thùng ong.

  • Nếu trong quá trình thụ phấn cho dưa mà phát sinh các loại sâu bệnh hại, nếu không phòng trừ sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của vườn thì bắt buộc phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ. Tuy nhiên, để ít gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của đàn ong chúng ta cần làm như sau:

+ Đợi trời tối ong vào thùng rồi đưa hết ra ngoài, sau đó dùng thuốc BVTV phun cho dưa lưới vào buổi tối. Đến chiều tối hôm sau có thể đưa ong vào lại nhà màng để thụ phấn.
+ Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại. Không sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao và thời gian cách ly dài.

2.5 Kiểm tra xem ong có làm việc hay không

  • Một hai hôm đầu khi mới đưa ong vào trong nhà màng thì chỉ có một vài con ong bay ra khỏi tổ (vì ong là côn trùng xã hội và có tính kỷ luật rất cao nên sẽ cử một vài con ra thăm dò trước) sau đó mới bay ra làm việc.

  • Khi đưa ong vào trong nhà màng, do thay đổi môi trường sống, nhiệt độ tăng cao và ánh sáng bị khúc xạ khi đi qua màng nilon nên sẽ có một số ong nhất định bị chết và một số bị mất phương hướng không xác định được đường đi nên bay lên sát màng nilon và chết trên đó (thường chết ở khe thoát gió và ở các góc nhà màng).

  • Khi ong bay ra khỏi thùng cần kiểm tra xem nếu thấy ong bay ở tầm ngang ngọn cây và đậu từ hoa này sang hoa khác là có tác dụng. Hoặc có thể kiểm tra ở cặp chân sau của ong nếu thấy có hai cục màu vàng (đây là hai cục phấn hoa mà ong lấy được để đưa về thùng làm thức ăn và nuôi ấu trùng) là ong làm việc tốt và có tác dụng thụ phấn cho cây trồng.

  
                                                               Hình ảnh ong lấy phấn trên hoa và cặp chân sau ôm hai túi phấn

  • Số lượng thùng ong đưa vào nhà như sau: 1000m2 đưa một thùng ong 6 cầu, tương đương một hecta nhà màng là 10 thùng. (lưu ý, không nên thả quá nhiều ong vào trong nhà sẽ làm nát hoa và giảm hiệu suất thụ phấn). Nếu diện tích nhà trồng dưa rộng thì cần chia đều khoảng cách để đặt các thùng ong cho hợp lí, còn diện tích nhà nhỏ thì đặt ở chính giữa nhà.

  • Thời gian thụ phấn kéo dài 7-8 ngày tùy theo tình hình hoa cái nở sau đó đưa ong ra ngoài và chăm sóc nuôi dưỡng lại để thụ phấn cho vụ sau. Thông thường một thùng ong có thể thụ phấn cho 2-3 vụ nếu chăm sóc tốt.

Bài viết dựa trên kinh nghiệm làm thực tế. Kính chúc bà con có nhiều vụ mùa bội thu!
Nguồn-ThS. Đoàn Công Nghiêm, GĐ Kỹ thuật Công ty Cổ phần HLC Hà Nội

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger