DỪA TREO - ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC NHƯ THẾ NÀO

Thông thường trong năm, sẽ có thời điểm cây dừa mang trái rất ít, hiện tượng dừa giảm năng suất một số tháng trong năm mà dân gian gọi là “dừa treo”.  Hiện tượng “dừa treo” xảy ra trong thời gian bao lâu tùy theo “sức khỏe” của cây. Tuy nhiên có những vườn dừa vẫn sai trái quanh năm nếu được chăm sóc hợp lý. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng “dừa treo”, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đây cũng là thách thức lớn cho người trồng dừa.




Hiện tượng “dừa treo”


Trước hết, nông dân cần quan sát vườn mình để xác định nguyên nhân “dừa treo” vì có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng trên.

Yếu tố nào tác động trực tiếp đến hiện tượng dừa “treo”? 

Ngoài yếu tố sâu bệnh còn có nhiều nguyên nhân quan trọng khác, đó là sự biến đổi bất thường về thời tiết, do độ màu mỡ của đất, việc bón phân không đúng cách... Cụ thể như, khô hạn kéo dài, lượng mưa ít, mưa to kéo dài, nhiệt độ tăng cao bất thường. Có hai thời điểm trong năm ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn dừa là từ tháng 3 - 5 và tháng 10-11 (dương lịch). Thời điểm thứ nhất là vào cao điểm của nước mặn xâm nhập sâu và nắng nóng kéo dài. Ngoài ra, còn có thể do những cơn mưa giông đầu mùa làm dừa rụng trái non, nhất là dừa từ 2 - 4 tháng tuổi. Thứ hai, vào thời điểm cuối mùa mưa, xuất hiện nhiều đợt mưa to kéo dài, thiếu ánh sáng cũng làm dừa rụng trái non nhiều, đậu trái ít. 

Việc người dân bón phân không đúng kỹ thuật, qui trình, số lần bón phân... Theo thói quen, nông dân thường chỉ bón tập trung từ 1 - 2 lần/năm, bón vào lỗ đào, nên không đảm bảo dinh dưỡng cho cây dừa trong cả 12 tháng, dễ dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu dinh dưỡng. Khi bón, không chú trọng đến thời tiết và thành phần, liều lượng chưa cân đối. Điều đáng quan tâm là nhiều hộ dân còn lạm dụng
  hóa chất (thuốc trừ cỏ) thay các biện pháp thủ công; ít áp dụng biện pháp bồi dưỡng đất như: giữ cỏ, bồi bùn, che phủ gốc, làm cho cho đất dễ bị suy thoái. Mặt khác, giống dừa tuy từng bước có cải thiện nhưng chưa có kế hoạch tuyển chọn giống phù hợp, có khả năng chống chịu với khô hạn, dịch bệnh. Hoặc nhiều nhà vườn trồng quá dày, có nơi trồng tới 20 cây/công, nên khả năng đậu trái rất kém, hiện tượng rụng trái khá nhiều, nhất là vào thời điểm tháng 10 - 11 (dương lịch). Ngoài ra, việc trồng xen, nuôi xen chưa hợp lý đã tác động xấu đến việc cạnh tranh nước, dinh dưỡng.
 


Để khắc phục hiện tượng “dừa treo” nông dân cần quan tâm đến các biện pháp sau:


Bón đầy đủ dinh dưỡng

Nên tăng số lần bón phân, có thể định kỳ 2 tháng/lần. Bón đều trên vùng rễ dừa, dùng các phương pháp như bón đều trong phạm vi bán kính 2m, rồi dùng lá, mụn dừa phủ gốc để giữ độ ẩm. Nên chọn các giống dừa dâu xanh, dâu vàng, vì các giống này ít bị “treo” và khả năng bù đắp năng suất sau khi “treo” tốt hơn các giống dừa khác. Trồng xen cũng là vấn đề cần lưu ý, nếu trồng xen đúng kỹ thuật sẽ góp phần tăng năng suất dừa, bởi nó sẽ kết hợp che phủ đất trống, giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại, chống xói mòn, nâng cao độ phì nhiêu của đất. Cây trồng xen hiệu quả nhất hiện nay là cacao. 

Kết quả phân tích sự huy động các chất dinh dưỡng của cây dừa, cho thấy 3 chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây dừa theo thứ tự là Kali (K), Clorua (Cl) và đạm (N). 

Kali cần thiết cho sự tạo thành cơm dừa và dầu dừa. Bón kali ở giai đoạn vườn ươm cây con sẽ mọc mạnh, ra trái sớm, sai trái. Thiếu kali ở giai đoạn đầu sẽ ảnh hưởng đến năng suất dừa về sau, mặc dù thời gian sau được bón kali đầy đủ. Kali có ảnh hưởng đến việc tăng số buồng, số hoa cái, tỉ lệ đậu trái, trọng lượng trái. Do đó, cây dừa thiếu kali thường cho ít trái, trái nhỏ và năng suất thấp. Nếu tình trạng thiếu kali kéo dài, lá bên dưới tán chết sớm, khô nhưng không rụng nên thường có 5-6 tàu lá dừa khô còn dính trên cây. 

Đạm giúp cho sự tăng trưởng của cây, ra hoa sớm, đạm còn có vai trò quan trọng là giúp cho cây dừa tạo nhiều hoa cái. Ngoài ra, đạm còn giúp cho cây dừa sử dụng kali hữu hiệu hơn. 

Clorua (Cl) được xem như một chất đa lượng đối với cây dừa hơn là một chất vi lượng như đối với các cây trồng khác. Clorua ảnh hưởng đến sự gia tăng chu vi gốc thân, giúp gia tăng sự hấp thụ các chất kali, lân, canxi và ma-nhê nên giúp cho cây ra trái sớm. Clorua có vai trò quan trọng trong việc tạo cơm dừa. Thiếu Clorua dừa cho trái nhỏ nhưng số trái/buồng không giảm.

 

Đối với dừa thâm canh tại Bến Tre nên bón theo công thức phân: 1,2-1,5kg Urea + 2,0-2,2kg Super lân (hoặc lân nung chảy) + 1,2kg KCl/cây/năm. Ngoài ra, hàng năm nên bón bổ sung cho đất từ 30kg đến 50kg vôi /1.000m2 (đối với đất phèn nhiều). Nếu sử dụng phân hỗn hợp NPK thì nên sử dụng công thức 15-10-20 (400kg/ha/năm). Nên chia phân ra nhiều lần để bón (ít nhất 4 lần). Cách bón: Xới nhẹ đất trong vùng tập trung nhiều rễ, cách gốc từ 1,5m đến 2,5m (tùy theo tuổi của cây dừa), rải đều, khỏa đất lấp kín phân hoặc phủ mụn dừa hay lá dừa lên trên. Nếu bón phân trong mùa nắng cần tưới đủ nước ngay, để cây hấp thu tốt, tránh phân bị tiêu hao.

Ngoài phân hóa học, việc bón phân hữu cơ cho dừa cũng cần được bổ sung nhằm cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và đạt năng suất cao, bón càng nhiều phân hữu cơ càng tốt. Để nhiều lá mục trên bờ vườn cũng cung cấp cho dừa nhiều chất hữu cơ.

Bồi bùn

Phù sa sông hay bùn ao cũng là nguồn cung cấp chất hữu cơ và góp phần cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn dừa. Có thể bồi bùn mỗi năm hoặc 2 năm một lần. Nên bồi vào mùa nắng, khi bồi chỉ nên trải một lớp bùn dày khoảng 3 - 5cm.

Tưới nước trong mùa khô

Dừa cần đủ nước để phát triển và ra hoa, kết trái. Thiếu nước, cây dừa sẽ không hút được chất dinh dưỡng và sẽ đậu trái ít hoặc rụng trái non nhiều. Sự khô hạn xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển đều có ảnh hưởng đến năng suất. Giai đoạn bị ảnh hưởng nhiều nhất lúc hình thành mầm hoa; phát triển bầu noãn và sau khi đậu trái. Chú ý: Khô hạn năm nầy sẽ ảnh hưởng đến năng suất của năm sau. Vì thế, tưới đầy đủ nước cho dừa trong mùa khô là biện pháp hữu hiệu nhằm tăng năng suất dừa. Giữ ẩm cho dừa, đơn giản nhất là tủ lá dừa cho gốc để hạn chế sự bốc thoát nước. Trong mùa khô, khoảng 5-10 ngày tưới một lần. Nếu không thể tưới đều khắp, thì nên tập trung nước tưới đủ thấm cho mỗi cây khoảng vài mét vuông.

Mật độ trồng hợp lý

Trồng mật độ hợp lý để đảm bảo đủ ánh sáng cho dừa phát triển và cho trái. Mật độ trồng tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và có trồng xen hay không trồng xen. Đối với giống dừa cao, mật độ trồng khoảng 180 cây/ha. Đối với giống dừa lùn (dừa uống nước) mật độ trồng khoảng 240 cây/ha.

Phòng trừ sâu bệnh

Một số dịch hại phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất dừa là bọ vòi voi và sâu đục trái tấn công giai đoạn trái non gây rụng trái nghiêm trọng. Nên thường xuyên quan sát vườn dừa phát hiện kịp thời và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó chú ý khâu vệ sinh cây dừa.


Để khắc phục hiện tượng “dừa treo”, cho vườn dừa trĩu quả quanh năm, đòi hỏi người trồng dừa phải biết áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến từ khâu mật độ trồng, dinh dưỡng, nước đến việc quản lý sâu bệnh một cách hợp lý.

Nguồn tham khảo: 
http://dost-bentre.gov.vn/ và http://baodongkhoi.vn/

Trước hết, nông dân cần quan sát vườn mình để xác định nguyên nhân “dừa treo” vì có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng trên.

Hoặc gửi liên hệ cho chúng tôi theo mẫu dưới đây:
Dấu * là phần không được để trống

►TIN NỔI BẬT

Call
Gọi ngay
Call
Zalo
Call
Messenger