Bọ xít muỗi thuộc bộ cánh nửa Hemiptera, họ Miridae là loài gây hại đa thực đã xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, có hai loài bọ xít muỗi là loài có cơ thể màu xanh lá cây và màu nâu đỏ, chúng gây hại trên nhiều loại cây trồng như ca cao, tiêu, điều, bông, chè, cây có múi, xoài, mãng cầu…, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, năng suất và hiệu quả kinh tế của các loại cây này.
Ngoài việc gây hại trực tiếp do bọ chích hút sẽ làm cho lá và bông bị khô, trái non rụng..., vết chích còn tạo điều kiện phát sinh nấm, nhất là nấm gây bệnh thán thư xâm nhập, sẽ khiến thiệt hại thêm trầm trọng và phòng trị khó khăn, tốn kém. Tuy nhiên, đây là những loài xuất hiện phổ biến nhưng nhiều cán bộ địa phương và bà con nông dân vẫn chưa biết bọ xít muỗi hoặc triệu chứng gây hại, đặc điểm hình thái của chúng nên công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Bài viết nhằm tổng hợp nhưng kết quả nghiên cứu chính về đặc điểm hình thái, sinh vật học, quy luật phát sinh gậy hại và biện pháp quản lý loài dịch hại này.
1. Triệu chứng gây hại
Bọ xít muỗi dùng vòi chích xuyên qua các mô thực vật, nước bọt của chúng rất độc, gây ra các vết hoại tử trên lá non, cành, trái non, tạo thành các vết sẹo trên lá trên trái, gây biến dạng trái, gây chết chồi, cành cây hoặc toàn bộ cây. Các vết chích có đốm đen (đốm to nhỏ tùy bọ non hay trưởng thành gây hại), vết chích để lại các vết sẹo, lõm làm trái giảm giá trị thương phẩm, ngoài việc gây hại trực tiếp, vết chích còn tạo điều kiện để nấm bệnh xâm nhập nên thiệt hại càng nặng.
2. Đặc điểm hình thái, sinh vật học và quy luật phát sinh gây hại
Bọ xít muỗi có thân hình thon dài, râu dài quá thân mình, có một cột sống đặc trưng trên ổ bụng và có sự khác biệt về màu sắc giữa các loài (Helopeltis theivora có màu xanh lá cây, Helopeltis antonii có màu nâu đỏ). Vòng đời bọ xít muỗi từ từ 27 đến 42 ngày tuỳ điều kiện thời tiết. Bọ xít muỗi trưởng thành có thể sống trong vài tuần, cơ thể dài từ 6,5 đến 8,5mm, có gai nhọn phía giữa ngực, chân dài và mỏng manh như chân muỗi. Con cái có thể đẻ 30-50 trứng trong thời gian sống. Trứng có màu trắng, dài khoảng 1mm, được đẻ rải rác hoặc thành cụm trên thân, cuống lá non, hoặc các bộ phận đang phát triển khác của cây, trứng nở sau một tuần. Ấu trùng có hình thái trông giống thành trùng, di chuyển rất nhanh, khi có động chúng thường trốn xuống mặt dưới của lá hoặc thả mình rơi xuống đất để trốn, thường cư trú trong những cây, bụi rậm xung quanh vườn, chích hút đọt non, lá non hoặc các bộ phận đang phát triển khác của cây, ấu trùng trải qua 5 tuổi (4 lần lột xác) với tổng thời gian là 10 -16 ngày.
Bọ xít muỗi thường hoạt động mạnh vào buổi sáng (trước 9 giờ) và chiều tối (sau 4 giờ chiều), khi trời nắng nóng thì ẩn nấp dưới tán lá, ngày âm u thì hoạt động cả ngày và thích hợp với nhiệt độ từ 25 - 280C, ẩm độ trên 90%, tiết trời mát, âm u, nóng ẩm. Nhìn chung, bọ xít muỗi có thể sống và gây hại quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa và nhất là khi cây ra lá, đọt, hoa, trái non bọ sẽ xuất hiện nhiều và gây hại nặng.
3. Biện pháp quản lý tổng hợp
3.1. Biện pháp canh tác
- Không bón quá nhiều phân đạm, tăng phân kali vào thời kì cây ra đọt non, chồi hoa và quả non.
- Làm sạch cỏ dại, tỉa cành tạo tán để vườn điều thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ thường xuyên của bọ xít muỗi. Thu gom cành, lá, hoa, quả bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế lây lan nguồn bệnh. Thăm vườn thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều tối (5 - 6 giờ) kiểm tra mật độ bọ xít muỗi vào thời kỳ cây ra đọt non, lá non, ra hoa đậu quả và phòng trừ kịp thời. Thu gom lá khô, tàn dư thực vật và cỏ dại đốt hun khói vào buổi chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi đến gây hại.
3.2. Biện pháp sinh học
Bảo vệ các loài thiên địch của bọ xít muỗi như kiến đen (Dolicoderus thoracicus) hoặc kiến vàng (Oecophylla smaragdina), bọ ngựa và nhện lớn bắt mồi. Kiến vàng là thiên địch hữu hiệu nhất, chúng ăn ấu trùng, trưởng thành bọ xít muỗi và có thể xua đuổi, ngăn cản trưởng thành đến chích hút hoặc đẻ trứng nếu đạt mật số cao. Sử dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizum anisopliae, Beauveria bassiana hoặc Paecilomyces sp. phun trừ bọ xít muỗi khi tuổi còn nhỏ, liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm.
3.3. Biện pháp hóa học
Chỉ sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hàng năm để phòng trừ bọ xít muỗi khi có nguy cơ gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng và phải theo nguyên tắc “4 đúng”.
- Loại thuốc: Sử dụng các thuốc có hoạt chất Citrus oil (MAP Green 6SL…), Alpha-cypermethrin (Alfathrin 5EC, FM-Tox 25EC, Motox 5EC,…); Permethrin (Peran 50EC, Permecide 50EC, Permethrin 500EC,…)…, Liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
- Thời điểm phun hiệu quả: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, khi cây chuẩn bị ra lá non, hoa. Những ngày trời âm u bọ xít muỗi hoạt động mạnh có thể phun sớm hơn nhưng nếu cây trồng đang nở hoa không phun trước 9 giờ sáng để hoa cây trồng thụ phấn. Phun khi bọ xít muỗi tuổi 1-3 đạt hiệu quả cao nhất.
- Phương pháp phun: Phun trừ đồng loạt trên diện rộng, phun từ xung quanh vườn vào trong theo hình xoáy trôn ốc và phun ướt đều tán cây. Sử dụng bình phun động cơ thổi gió hoặc tạo sương mù, khói để phun thuốc BVTV có cơ chế tác động tiếp xúc hoặc xông hơi. Phun trừ bọ xít muỗi (trưởng thành và ấu trùng) cư trú trong các bụi rậm, tán cây rậm rạp xung quanh vườn.
Ngoài ra, các hộ nông dân cần kiểm tra và quan sát các loại bệnh do nấm, đặc biệt nấm thán thư gây hại cây trồng để chủ động phun trừ.
Nguồn tham khảo: http://khuyennongnghean.com.vn/.