Hiện tượng rụng hoa, rụng trái non trên xoài có nhiều nguyên nhân:
- Hiện tượng cách niên rất rõ ở cây xoài, năm được mùa, năm tiếp sau mất mùa, thể hiện rõ nhất ở những cây xoài tuổi lớn, do cây kiệt sức sau một vụ mang trái quá nhiều, cây thiếu chăm sóc, cây không đủ dinh dưỡng, nhưng đôi khi cũng do đặc tính giống, vì có những giống cách niên rỏ như xoài Cát, xoài Thanh Ca trong khi xoài Bưởi, xoài Tứ Quý cho trái đều đặn mỗi năm.- Thời tiết không thích hợp (mưa gió, ẩm độ cao,…) cũng ảnh hưởng đến sự thụ phấn vì cản trở hoạt động của côn trùng thụ phấn; sức sống hạt phấn kém không thụ tinh được. Tỷ lệ thụ phấn cao khi trời nóng và khô.
- Yếu tố di truyền: giống nào có cuống to, chắc thì ít rụng trái.
- Thiếu nước và dinh dưỡng trong thời gian mang trái cũng làm trái non rụng nhiều.

Sau đây bà con có thể tham khảo một số biện pháp nhằm hạn chế sự rụng hoa, rụng trái non trên xoài:
- Cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây trong thời gian ra hoa và mang trái (nếu thiếu hoặc thừa nước trong giai đoạn này cũng làm gia tăng sự rụng hoa, rụng trái)
- Sau thu hoạch nên xén tỉa những cành bị sâu bệnh, cành già đồng thời bón phân đầy đủ, nhất là phân đạm, phân lân và phân hữu cơ để giúp cây phục hồi nhanh và tích luỹ đủ dinh dưỡng cho năm sau. Có thể phun thêm phân bón lá (có chứa đồng, kẽm, mangan và magiê) vào giai đoạn ra lá non để cây phát triển tốt.
- Hạn chế phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn ra hoa sẽ ảnh hưởng đến các côn trùng giúp thụ phấn cho xoài.
- Trong thời gian 2-7 tuần sau khi trổ hoa, trái non thường dễ bị rụng do cuống tạo tầng rời, vì thế nên phun chất điều hòa sinh trưởng như NAA hoặc GA3, có thể phun 2-3 lần. Lần đầu khoảng 15-20 ngày sau khi hoa nở rộ và lần sau khi trái tượng bằng ngón tay cái. Giai đoạn đầu phun NAA (50ppm), những giai đoạn sau nên phun GA3 sẽ giúp giảm rụng trái và làm trái phát triển nhanh. Chú ý phun đúng liều lượng khuyến cáo để tránh gây hại cho cây trồng
- Phun Canxi Bo và siêu ra hoa khi chồi hoa đạt 10-15 cm và giai đoạn tượng trái non bà con bổ sung 2-3 lần Canxi bo để tăng cường sức sống hạt phấn, tăng tỷ lệ đậu trái, giúp giảm rụng hoa và trái non.

- Không nên để cây mang một lượng trái quá nhiều, nên tỉa sớm bỏ bớt những trái méo trên chùm trái nhất là những cây tuổi còn nhỏ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái còn lại và hạn chế cây bị kiệt sức vào vụ sau.
- Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng lớn đến rụng hoa và trái non là sâu bệnh. Vì thế cần thăm vườn thường xuyên, xác định đúng đối tượng dịch hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Những sâu bệnh phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến hiện tượng rụng hoa, rụng trái non là rầy bông xoài, rầy mềm hại trái non và bệnh thán thư…
- Sâu bệnh là yếu tố quan trọng gây ra hiện tượng rụng hoa và trái non rất nghiêm trọng.

+ “Bọ trĩ là loại côn trùng "nhỏ nhưng có võ", tàn phá vườn xoài rất khủng khiếp. Với thân hình thon dài, chích hút khỏe, bọ trĩ phá hại bằng cách đục thủng vào bộ phận non của cây như lá, chồi, bông, trái… rồi hút nhựa”
Trên lá, bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá làm lá phát triển không bình thường, cong queo, hai mép cúp xuống. Trên chồi, bọ trĩ làm chồi không ra lá, trái. Trên bông, loại bọ này làm bông héo, khô rồi rụng hàng loạt. Bọ trĩ trên trái sẽ làm da trái xoài gần cuống có màu xám đậm (da cám), trái biến dạng, nếu bọ trĩ xuất hiện với mật số cao và gây hại muộn thì da trái, cả trái non lẫn trái lớn đều bị sần sùi.
Cùng với bọ trĩ, rầy bông gây hại phổ biến khi xoài ở giai đoạn ra bông, trái non. Trong một thời gian ngắn, gặp điều kiện thuận lợi, rầy có thể bộc phát thành dịch. Rầy đẻ trứng, chích hút bông và cuống làm bông khô, rụng, ngoài ra dịch nhựa tươm ra từ vết chích, cộng với chất thải của rầy trên lá, bông, cành tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hống phát triển, che phủ bề mặt lá, ảnh hưởng đến quang hợp
+ Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm nhất trên xoài và là nguyên nhân chủ yếu gây rụng hoa và trái non. Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, đọt, bông và trái. Trên lá, bệnh thường có những đốm góc cạnh màu nâu đỏ, lớn khoảng 3-5mm, dễ bị thũng rách, lá rụng khi bệnh nặng.
Trên chùm hoa, nấm tạo thành những chấm đen nhỏ trên cuống hoa làm hoa bị khô đen và rụng. Trên trái, đốm bệnh nâu đen, hơi tròn hoặc lõm sâu. Các đốm bệnh trên vỏ trái cũng có thể liên kết với nhau, thịt trái phía trong đốm bệnh bị khô đi và dính theo vỏ trái khi lột. Nếu bệnh xuất hiện sớm trên trái non làm trái bị rụng. Mầm bệnh có thể tấn công trái non, trái lớn và cả trái sau thu hoạch, tồn trữ. Bệnh lây lan, phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Giai đoạn ra hoa gặp sương mù nhiều, bệnh dễ phát triển, làm rụng bông.
Bệnh thán thư gây hại trên xoài ở hầu hết các tháng trong năm, song nặng nhất vào các tháng 3, 4 tiếp đến là các tháng 2, 5, 7, 8 đối với các tỉnh miền Bắc; còn các vùng trồng xoài tập trung ở phía Nam bệnh thường xuất hiện vào các tháng mùa mưa.
Để hạn chế sự phát triển bệnh thán thư nên quan sát giai đoạn ra đọt non, hoa và trái non, khi phát hiện bệnh nên thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan; Bón phân cân đối nhất là tránh bón thừa đạm; Tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm ẩm độ trong vườn; Khi phát hiện bệnh phun các loại thuốc sau: Chế phẩm Nano bạc đồng kết hợp nano đồng oxyclorua, còn nếu tỷ lệ bệnh nặng bà con có thể phun Antracol 70WP, Amistar 250SC, Manage 15WP, Mataxyl 500WP,...>>> Làm nông nghiệp bao năm, những người nông dân có thể không sợ vất vả, nhưng lại tiếc hùi hụi khi công sức của mình không được đền đáp xứng đáng, những giọt mồ hôi rơi không được bù đắp bằng những trái xoài thơm ngọt.
Bới thể để hạn chế hiện tượng rụng hoa, rụng trái non trên xoài đòi hỏi nhà vườn phải quan tâm chăm sóc tốt, đảm bảo đầy đủ nước, dinh dưỡng và thường xuyên thăm vườn phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời nhất là trong thời kỳ ra hoa, đậu trái.
Nguồn tham khảo: dantocmiennui.vn