Đặc tính của cây xoài ra hoa rất nhiều nhưng tỷ lệ rụng hoa, rụng trái cũng rất cao, đôi khi tỉ lệ rụng có thể lên đến 99%. Để hạn chế rụng hoa, rụng trái non chúng ta cần tác động các biện pháp kỹ thuật, điều quan trọng là xác định đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp.
Hiện tượng rụng hoa, rụng trái non có nhiều nguyên nhân:
- Hiện tượng cách niên rất rõ ở cây xoài, năm được mùa, năm tiếp sau mất mùa, thể hiện rõ nhất ở những cây xoài tuổi lớn, do cây kiệt sức sau một vụ mang trái quá nhiều, cây thiếu chăm sóc, cây không đủ dinh dưỡng, nhưng đôi khi cũng do đặc tính giống, vì có những giống cách niên rỏ như xoài Cát, xoài Thanh Ca trong khi xoài Bưởi, xoài Tứ Quý cho trái đều đặn mỗi năm.
- Thời tiết xấu (mưa gió, ẩm độ cao,…) làm cản trở hoạt động của côn trùng thụ phấn cho cây, rửa trôi hạt phấn, làm vỡ hạt phấn, tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại hoa, trái non. Tỷ lệ thụ phấn cao khi trời nóng và khô.
- Do di truyền: Có giống rụng ít, có giống rụng nhiều (giống có cuống trái to, chắc thường rụng ít).
- Thiếu nước và dinh dưỡng trong thời gian mang trái cũng làm trái non rụng nhiều.
- Trong thời kỳ hoa, trái non, cây bị côn trùng, nấm bệnh tấn công
Sau đây là một số biện pháp nhằm hạn chế sự rụng hoa, rụng trái non trên xoài:
- Cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây trong thời gian ra hoa và mang trái (nếu thiếu hoặc thừa nước trong giai đoạn này cũng làm gia tăng sự rụng hoa, rụng trái)
- Sau thu hoạch nên xén tỉa những cành bị sâu bệnh, cành già đồng thời bón phân đầy đủ, nhất là phân đạm, phân lân và phân hữu cơ để giúp cây phục hồi nhanh và tích luỹ đủ dinh dưỡng cho năm sau. Có thể phun thêm phân bón lá (có chứa đồng, kẽm, mangan và magiê) vào giai đoạn ra lá non để cây phát triển tốt.
- Hạn chế phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn ra hoa sẽ ảnh hưởng đến các côn trùng giúp thụ phấn cho xoài.
- Trong thời gian 2-7 tuần sau khi trổ hoa, trái non thường dễ bị rụng do cuống tạo tầng rời, vì thế nên phun chất điều hòa sinh trưởng như NAA hoặc GA3, có thể phun 2-3 lần. Lần đầu khoảng 15-20 ngày sau khi hoa nở rộ và lần sau khi trái tượng bằng ngón tay cái. Giai đoạn đầu phun NAA (50ppm), những giai đoạn sau nên phun GA3 sẽ giúp giảm rụng trái và làm trái phát triển nhanh. Chú ý phun đúng liều lượng khuyến cáo để tránh gây hại cho cây trồng
- Phun Canxi Bo và Siêu ra hoa HLC khi chồi hoa đạt 10-15 cm và giai đoạn tượng trái non bà con bổ sung 2-3 lần Canxi bo để tăng cường sức sống hạt phấn, tăng tỷ lệ đậu trái, giúp giảm rụng hoa và trái non.
- Không nên để cây mang một lượng trái quá nhiều, nên tỉa sớm bỏ bớt những trái méo trên chùm trái nhất là những cây tuổi còn nhỏ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái còn lại và hạn chế cây bị kiệt sức vào vụ sau.
- Một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng lớn đến rụng hoa và trái non là sâu bệnh. Vì thế cần thăm vườn thường xuyên, xác định đúng đối tượng dịch hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Những sâu bệnh phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến hiện tượng rụng hoa, rụng trái non là rầy bông xoài, rầy mềm hại trái non và bệnh thán thư…
+ Rầy bông xoài:
Thường xuất hiện nhiều khi cây bắt đầu trổ bông và đạt đỉnh cao vào giai đoạn nở hoa sau đó giảm dần. Thành trùng màu nâu đen, rầy non có màu xanh lục nhạt. Rầy non và rầy trưởng thành đều chích hút nhựa của lá non và bông. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra chủ yếu là bông, làm cho bông và trái non bị rụng rất nhiều, có khi cả phát hoa bị rụng hết bông. Để phòng trừ rấy bông xoài, sau khi thu hoạch cần tiến hành xén tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng nhằm hạn chế sự gây hại của rầy; Trước giai đoạn ra bông (từ 1-2 tuần) sử dụng bẩy đèn để thu hút thành trùng; Ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy, nên phun ngừa vào giai đoạn xoài vừa ra nụ hoa khi phát hiện có sự hiện diện của rầy trên lá. Sử dụng một trong các loại thuốc trừ rầy như: Actara 25WG, Applaud 10WP, Trebon 10EC… phun 2 lần, một lần trước khi ra bông và một lần vào lúc bông trổ (chưa rớt nhụy).
+ Rầy mềm:
Rầy trưởng thành và rầy non tập trung những lá non, cành non, đọt non, phát hoa, cuống hoa và cuống trái non để chích hút nhựa làm cho chồi non, lá non biến dạng, bông và trái non bị rụng sớm. Rầy mềm hiện diện trong suốt thời gian ra bông cho đến tượng trái, mật số thường cao vào các đợt xoài ra bông cuối vụ. Như nhiều loài rầy rệp khác, ngoài gây hại trực tiếp thì trong chất bài tiết của rầy bông xoài, rầy mềm còn có chứa nhiều chất đường mật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát sinh, phát triển phủ kín cả cành, lá ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quang hợp của cây. Biện pháp phòng trừ như rầy bông xoài.
+ Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm nhất trên xoài và là nguyên nhân chủ yếu gây rụng hoa và trái non. Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, đọt, bông và trái. Trên lá, bệnh thường có những đốm góc cạnh màu nâu đỏ, lớn khoảng 3-5mm, dễ bị thũng rách, lá rụng khi bệnh nặng. Trên chùm hoa, nấm tạo thành những chấm đen nhỏ trên cuống hoa làm hoa bị khô đen và rụng. Trên trái non, đốm bệnh nâu đen, hơi tròn hoặc lõm sâu làm trái bị rụng. Mầm bệnh có thể tấn công trái non, trái lớn và cả trái sau thu hoạch, tồn trữ. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Để hạn chế sự phát triển bệnh thán thư nên quan sát giai đoạn ra đọt non, hoa và trái non, khi phát hiện bệnh nên thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan; Bón phân cân đối nhất là tránh bón thừa đạm; Tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm ẩm độ trong vườn; Khi phát hiện bệnh phun các loại thuốc sau: Nano bạc đồng và Nano đồng oxyclorua HLC, nếu tỷ lệ bệnh cao bà con có thể sử dụng các dòng thuốc hóa học như Antracol 70WP, Amistar 250SC, Manage 15WP, Mataxyl 500WP,...
Để hạn chế hiện tượng rụng hoa, rụng trái non trên xoài đòi hỏi nhà vườn phải quan tâm chăm sóc tốt, đảm bảo đầy đủ nước, dinh dưỡng và thường xuyên thăm vườn phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời nhất là trong thời kỳ ra hoa, đậu trái.
Nguồn tham khảo: dost-bentre.gov.vn